Sau 05 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng. Những thành quả này đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tạo việc làm, tăng thu nhập của LĐNT, giúp tái cơ cấu hiệu quả ngành Nông nghiệp.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến

Trong giai đoạn 2016 - 2020, với nguồn kinh phí từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới bố trí để thực hiện Đề án là 2.580 triệu đồng, Sở LĐ-TBXH đã tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh, ngành và Trung ương... đưa tin, viết bài, làm phóng sự tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho LĐNT.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm đối với LĐNT; in ấn hàng trăm cuốn Sổ tay học nghề, cuốn sách về các chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền cho LĐNT...

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TBXH cũng tổ chức tập huấn đối với cán bộ lãnh đạo, chuyên viên phụ trách giáo dục nghề nghiệp, cán bộ đào tạo, kế toán của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở tham gia đào tạo nghề cho LĐNT; tập huấn nghiệp vụ quản lý, tư vấn, giám sát đào tạo nghề nghiệp cho 2.500 lượt cán bộ làm công tác LĐ-TBXH, cán bộ của các đoàn thể cấp xã.

Nhờ những nỗ lực, hoạt động không ngừng, đến nay, hầu hết LĐNT toàn tỉnh biết tới chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

{keywords}
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập. 

Các sở ngành vào cuộc

Mặt khác, để phục vụ đắc lực cho hoạt động tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT, Sở LĐ-BXH tỉnh đã tích cực vào cuộc. Sở đã hỗ trợ gần 12 tỷ đồng đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với 08 trung tâm dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh. Sở phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn xây dựng, chỉnh sửa 03 chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp gồm các nghề: dịch vụ du lịch cộng đồng, hàn công nghệ cao, sửa chữa máy nông nghiệp.

Đặc biệt, trong năm 2019, Sở LĐ-TBXH đã xây dựng, chỉnh sửa 7 chương trình với các nghề như kỹ thuật xây dựng; may công nghiệp; sửa chữa, bảo trì tủ lạnh và điều hòa không khí; điện dân dụng; kỹ thuật làm bánh…

Sở LĐ-TBXH đã phối hợp với các trường đại học, cao đẳng có đủ năng lực tham gia đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho 278 nhà giáo, người dạy nghề; bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho 110 nhà giáo, người dạy nghề; chuẩn hóa kỹ năng nghề cho 71 nhà giáo; bồi dưỡng kỹ năng biên soạn và dạy học tích hợp cho 40 nhà giáo; kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp cho 48 nhà giáo, v.v...; đồng thời tập huấn nghiệp vụ quản lý, tư vấn giám sát đào tạo nghề cho LĐNT với hơn 2.000 lượt cán bộ cấp huyện, xã…

Giai đoạn 2016 - 2019, Sở LĐ-TBXH đã phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng cho 12.361 LĐNT, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, người khuyết tật nông thôn và thành thị; LĐNT thuộc hộ cận nghèo, v.v... Tỷ lệ LĐNT được hỗ trợ học nghề có việc làm sau đào tạo, có thêm việc làm mới hoặc tiếp tục làm công việc cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn chiếm 79%.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã xây dựng 04 chương trình đào tạo nghề, gồm kỹ thuật trồng và chế biến măng, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dược liệu, kỹ thuật trồng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả. Ngoài ra, Sở cũng đã ban hành 7 chương trình nghề nông nghiệp có thời gian đào tạo dưới 3 tháng phục vụ đào tạo nghề cho LĐNT áp dụng chung trong toàn tỉnh gồm các nghề như chế biến nước mắm, nuôi ba ba; quản lý trang trại; nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, v.v...

Sau 05 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng có thể thấy các chính sách hỗ trợ kinh phí từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh hàng năm tăng từ 02% - 2,5%, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Nhiều LĐNT người khuyết tật tham gia học nghề đã tìm được việc làm, có thêm việc làm, tăng năng suất, chất lượng lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Đề án, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc triển khai các nội dung đào tạo nghề cho LĐNT gặp nhiều khó khăn. Hiện các địa phương đang triển khai công tác rà soát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề để khi dịch bệnh được khống chế tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo nghề theo kế hoạch đề ra.

Bài và ảnh: Thanh Tùng