Chính phủ vừa trình Quốc hội đề xuất giảm giới hạn cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi như hiện hành xuống dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, điều này lại vấp phải phản ứng từ các tổ chức quốc tế vì lo ngại ảnh hưởng đến chính sách nuôi con bằng sữa mẹ.


Cấm quảng cáo sữa, lợi hay hại?

Theo quy định của Luật Quảng cáo ban hành năm 2012, sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 24 tháng hiện nay thuộc đối tượng bị cấm quảng cáo. Lý do Quốc hội thông qua điều cấm này là bởi kiến nghị từ UNICEF cho rằng, việc cho phép quảng cáo sữa cho trẻ em trên 2 tuổi là bất lợi cho sức khoẻ của trẻ em, vi phạm các cam kết quốc tế liên quan đến quyền trẻ em.

Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, khi rà soát các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đã kiến nghị cần phải xoá bỏ hoàn toàn ngay quy định cấm này.

Kiến nghị này đã được Bộ Kế hoạch và đầu tư đã ghi nhận, tham khảo ý kiến các bên liên quan và đưa vào dự thảo Luật sửa đổi bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh. Bộ này không nhất trí xoá bỏ quy định hoàn toàn như đề xuất của VCCI, mà đề nghị sửa theo hướng giảm bớt khung giới hạn , tức là chỉ cấm quảng cáo sữa với loại dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi thay vì 24 tháng tuổi như hiện nay.

Dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội hôm 30/9 và dự kiên tuần này, Quốc hội sẽ họp thẩm tra.

{keywords}
Sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi đang bị cấm quảng cáo

Là một trong những cơ quan đồng tình việc sửa đổi trên, Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch - đơn vị soạn thảo Luật Quảng cáo- cho hay thực tiễn ở Việt Nam là 80% trẻ nhỏ từ 12 tháng tuổi phải sử dụng sản phẩm dinh dưỡng bổ sung do phần lớn các bà mẹ chỉ được nghỉ 6 tháng thai sản, phải đi làm sau khi sinh con và không đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho người mẹ. 

Cùng đó, cân nhắc các thông tin cơ sở khoa học về các sản phẩm thay thế sữa mẹ đối với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em qua khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Văn hoá Thể thao và du lịch cho rằng, việc cấm quảng sản phẩm sữa dùng cho trẻ đến 24 tháng tuổi sẽ hạn chế tiếp cận thông tin, ảnh hưởng đến quyền lợi của bà mẹ và trẻ em.

Bộ Văn hoá Thể thao và du lịch cũng cho biết thêm rằng từ tháng 6/2012, trong quá trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Quảng cáo hiện nay, UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) đã có ý kiến phản đối việc chỉ cấm quảng cáo sữa với loại dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. 

Sau đó, VCCI cũng đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: những nội dung thông tin do UNICEF cung cấp nhận thức sai về bộ Quy tắc Quốc tế về các sản phẩm thay thế sữa mẹ của WHO cùng với việc giải thích Công ước về Quyền trẻ em không khách quan.

Tuy nhiên, cũng như kịch bản của cách đây 4 năm, ngày 23/9 mới đây, các tổ chức quốc tế như tổ chức UNICEF Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, và Alive & Thrive Đông Nam Á lại tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng, các bộ và Ủy ban liên quan của Quốc hội để phản đối dự kiến sửa quy định quảng cáo sữa như trên.

Mẹ "bỉm sửa" lấy thông tin ở đâu?

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ: "Theo tôi hiểu thì Nhà nước chỉ nên áp dụng việc cấm quảng cáo với những sản phẩm không được khuyến khích sử dụng. Trong trường hợp này thay vì việc tranh luận cấm 24 hay 12 tháng, các cơ quan chức năng cần làm rõ sữa cho trẻ em có phải là mặt hàng không khuyến khích sử dụng hay không. Nếu không khuyến khích sử dụng sữa cho trẻ em thì phải nói rõ lý do và phải có các biện pháp đồng bộ hạn chế từ khâu sản xuất, chứ không phải chỉ là cấm quảng cáo".

Ông Tuấn nhấn mạnh: "Vấn đề là ở chỗ thông tin về sản phẩm đến người tiêu dùng phải đầy đủ và đúng sự thật".

Ông dẫn lại, một trong tám quyền của người tiêu dùng được toàn thế giới công nhận và được ghi nhận trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam là "quyền thông tin".

Luật này đã nêu rõ là người tiêu dùng cần "được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng”.

"Nhà nước không nên đặt vấn đề là người tiêu dùng thiếu kiến thức, từ đó phải cấm các luồng thông tin đến với người tiêu dùng để bảo vệ họ. Việc hạn chế thông tin sẽ gây ra những thiệt hại nhiều hơn đối với người tiêu dùng, vì rõ ràng, sản phẩm dinh dưỡng công thức ăn bổ sung là mặt hàng được nhà nước khuyến khích sử dụng", ông Tuấn bình luận.

Đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn tán thành chính sách khuyến khích việc nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, cần phải bảo đảm cho các bà mẹ khả năng tiếp cận thuận lợi với các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung an toàn và tốt nhất. Các chính sách cần phải hỗ trợ các bà mẹ để họ có thể đưa ra quyết định chọn lựa được các dinh dưỡng bổ sung tốt nhất và phù hợp nhất cho con mình".

Phạm Huyền