Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu vừa chia sẻ với báo VietNamNet về những lộ trình và giải pháp để thực hiện các mục mục tiêu đã đề ra.

Thưa ông, những chính sách tỉnh Quảng Nam vận hành, tạo động lực cho các đơn vị quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số là gì?

Ông Hồ Quang Bửu: Chuyển đổi số (CĐS) là việc làm mới và khó, trong quá trình triển khai đã bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như xếp hạng về CĐS của tỉnh đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; từ nhận thức đến hành động còn có khoảng cách; hưởng thụ về chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế; một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi trọng chương trình chuyển đổi số…

Để thực hiện CĐS hiệu quả thời gian tới, cần tiếp tục thống nhất các nội dung sau:

Thứ nhất, xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu. CĐS với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương, do đó, phải lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của CĐS.

Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình CĐS.

Thứ hai, phải bám sát các chỉ tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra; đồng thời phải có tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp xuất phát từ thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu trao đổi với VietNamNet. Ảnh: Công Sáng

Thứ ba, tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển CĐS; tăng cường công tác truyền thông đến mọi người dân, DN để tạo sự đồng thuận cao nhất.

Thứ tư, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, phấn đấu trong giai đoạn tới mỗi hộ hộ gia đình có một cáp quang, mỗi người dân có một điện thoại thông minh; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với các dịch vụ công như: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí; phát triển thương mại điện tử, đưa hàng hóa nông sản lên sàn thương mại phát triển nông nghiệp nông thôn.

Ngoài ra UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai CĐS, thành lập các Ban chỉ đạo CĐS của từng cơ quan, đơn vị và xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện...

Xác định chuyển đổi số là mục tiêu hàng đầu

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, hình thành công dân số thì quan trọng nhất là hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số để mua, để bán, để học, để làm việc, để sử dụng dịch vụ công, để khám chữa bệnh, để giải trí. Việc hình thành các tổ công nghệ số cộng đồng ở mức thôn, bản, tổ dân phố để có thể đến từng hộ gia đình, đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn sử dụng nền tảng số, là cách tiếp cận rất Việt Nam. CĐS là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện và tổ công nghệ số cộng đồng là lời giải của chúng ta. Và đây cũng là cách để không ai bị bỏ lại phía sau. Các địa phương hãy coi tổ công nghệ số cộng đồng này là lực lượng chuyển đổi số xung kích, giống như bộ đội địa phương, là các chiến binh CĐS….

Thực tế, ở tỉnh Quảng Nam tổ công nghệ số cộng đồng đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Hồ Quang Bửu: Thực hiện các chủ trương, định hướng về CĐS quốc gia, xác định CĐS là mục tiêu hàng đầu và chuyển đổi số cấp xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai đầu tiên, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách, văn bản về thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện như: Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 12/4/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về CĐS tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 2004/KH-UBND ngày 12/4/2021 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch thí điểm CĐS cấp xã trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2425/QĐ-UBND ngày 16/09/2022 của UBND tỉnh Ban hành Bộ chỉ số đánh giá CĐS và Quy định về đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Nam; Công văn số 220/UBND-KGVX ngày 15/12/2021 của UBND tỉnh về việc hướng dẫn triển khai Tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn, khối phố, công văn số 4821/UBND-KGVX ngày 22/7/2022 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh xây dựng xã thông minh và triển khai Tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh … nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chính quyền xã góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; Để đạt được những mục tiêu nói trên, tổ công nghệ số cộng đồng là một trong những đội ngũ quan trọng và cánh tay đặc lực trong việc chuyển đổi số cấp xã.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 204/241 xã đã thành lập tổ công nghệ cộng đồng với 1019 tổ công nghệ số cộng đồng với gần 5.000 người tham gia. Tổ công nghệ số do UBND các xã, phường, thị trấn ban hành Quyết định thành lập. Trong đó, mỗi thôn, bản, tổ dân phố có thể thành lập 01 Tổ Công nghệ số cộng đồng, mỗi Tổ Công nghệ số cộng đồng có thể gồm Trưởng thôn/bản, Tổ trưởng tổ dân phố và ít nhất 4 nhân sự.

Từ khi triển khai việc thành lập tổ công nghệ số cộng đồng đến nay, các tổ công nghệ đã có rất nhiều hoạt động, cụ thể như:

Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến các hộ gia đình, người dân thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố, khu dân cư, trong các chương trình, sự kiện của phường/xã.

Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, các chương trình nâng cao nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số cho người dân trên địa bàn.

Hướng dẫn và hỗ trợ cho các hộ dân, người dân tạo tài khoản điện tử, chữ ký số ….

Tập huấn chuyển đổi số tại phường Trường Xuân - TP Tam Kỳ sáng 31/3. Ảnh: Công Sáng

 

Hướng dẫn và hỗ trợ cho các hộ dân, người dân cài đặt, sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số (như ứng dụng Smart Quảng Nam; ứng dụng Cổng Dịch vụ công ….).

Hướng dẫn người dân tạo lập tài khoản thanh toán ngân hàng, ví điện tử (Viettel Money, VNPT Pay, MoMo, VNPay,...).

Phối hợp với các DN viễn thông (Viettel Quảng Nam, VNPT Quảng Nam) tổ chức cấp chữ ký số miễn phí cho người dân để thực hiện các hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Mở rộng, tư vấn về việc thu hộ, chi hộ: Bảo hiểm xã hội, giáo dục, chi trả các chế độ an sinh xã hội…

Hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội (Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Ứng dụng dạy và học trực tuyến, Ứng dụng Telehealth/TeleCare,...).

Hướng dẫn, hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể thiết lập cửa hàng số và tạo tài khoản thanh toán điện tử trên các sàn thương mại điện tử; đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện Quảng Nam và các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ hộ gia đình thiết lập địa chỉ số trên Nền tảng địa chỉ số quốc gia.

Hướng dẫn, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, các nền tảng số phục vụ quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh.

Vận hành thử nghiệm kho lưu trữ điện tử dùng chung

Là người đồng hành và chỉ đạo trực tiếp công tác chuyển đổi số ở địa phương, ông đánh giá với kế hoạch tỉnh đang triển khai, năm nay liệu Quảng Nam có chạm ngưỡng chính quyền số không?

Ông Hồ Quang Bửu: UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5793/KH-UBND ngày 30/12/2022 về Chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam năm 2023 trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Triển khai thực hiện việc hợp nhất Cổng Dịch vụ công tỉnh với Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh để tạo lập Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; thiết lập, nâng cấp, hoàn thiện kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; đưa vào vận hành thử nghiệm kho lưu trữ điện tử dùng chung của tỉnh đáp ứng yêu cầu số hóa, lưu trữ hồ sơ của các ngành, địa phương.

Triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến như giao chỉ tiêu tỷ lệ DVC trực tuyến các ngành, địa phương, thí điểm chỉ tiếp nhận hồ sơ dưới hình thức trực tuyến, triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho người dân để thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Triển khai các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển dữ liệu theo chủ đề “năm dữ liệu quốc gia”, các ngành triển khai xây dựng các CSDL trọng điểm theo Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 17/9/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Thực hiện kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP). Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các CSDL dùng chung, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP. Hoàn thiện các kết nối với các CSDL TW như GPLX, dân cư, ĐKKD, hộ tịch, …

Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) theo Kế hoạch 1148/KH-UBND ngày 06/03/2023 của UBND tỉnh, trong đó tập trung rà soát từng dịch vụ công, các thành phần hồ sơ trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện cắt giảm các thành phần hồ sơ đã sử dụng dữ liệu dân cư để nâng cao chất lượng thực hiện dịch vụ công theo Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ do Ủy ban chuyển đổi số Quốc gia giao cho tỉnh Quảng Nam: tiên phong tổ chức triển khai, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc; tổ chức sơ kết, đánh giá trước tháng 9/2023 (cơ quan phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông).

Quảng Nam đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, với mục tiêu năm 2023, Quảng Nam lọt Top 20 tỉnh, thành phố có mức độ chuyển đổi số cao nhất cả nước, sớm trở thành địa phương nằm trong tốp đầu của cả nước về chuyển đổi số vào năm 2030.

- Cảm ơn ông đã dành thời gian cho VietnamNet!