Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N8 độc lực cao xâm nhiễm, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công văn 4179 yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn virus cúm gia cầm A/H5N8 xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm theo quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và của tỉnh.

{keywords}
Ảnh minh họa: Quyết Thắng

Tuyên truyền vận động người chăn nuôi mua vắc-xin tiêm phòng bệnh cúm do các chủng vi rút A/H5 gây bệnh cho đàn gia cầm đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt hơn 80% tổng đàn có nguy cơ và tiêm đầy đủ loại vắc xin phòng bệnh khác cho đàn gia cầm. Đồng thời chủ động mua vắc xin tiêm phòng bệnh cúm gia cầm A/H5N8 cho đàn gia cầm khi có phát sinh ổ dịch trên địa bàn, không chờ hỗ trợ của Nhà nước.

Tiêm phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho đàn gia súc, gia cầm, nhiều năm qua cho thấy đàn gia súc, gia cầm được tiêm đúng, tiêm đủ các loại vắc xin theo đúng yêu cầu sẽ tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ sức khỏe động vật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khoẻ con người. 

Sử dụng các loại vắc-xin cúm gia cầm đang được phép lưu hành tại Việt Nam và có hiệu quả bảo hộ đối với chủng virus cúm gia cầm A/H5N6 (theo OIE chủng virus CGC A/H5N8 cùng phân nhánh 2.3.4.4 với virus cúm gia cầm A/H5N6).

Tăng cường giám sát lâm sàng tại những nơi có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm các trường hợp gia cầm mắc bệnh để có giải pháp ứng phó kịp thời. Trường hợp phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với vi rút cúm A/H5N8, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng virus cúm A/H5, cần xử lý tiêu hủy triệt để, tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch.

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực (vắc-xin nguồn dự trữ, vật tư, dụng cụ, hóa chất) để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm.

Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán bệnh theo quy định; xuất hóa chất, vắc xin từ nguồn dự trữ để hỗ trợ các địa phương thực hiện xử lý khẩn cấp ổ dịch nhằm khống chế kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng...

Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn cúm gia cầm xâm nhập, lây lan vào tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh trên người. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo đúng quy trình, kỹ thuật khi phát hiện ca bệnh.

Ban chỉ đạo 389, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, UBMTTQ tỉnh, các đoàn thể… phối hợp thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch khác trên địa bàn.

Trước đó, vào tháng 6/2021, lần đầu tiên ở Việt Nam đã phát hiện chủng virus cúm gia cầm (CGC) A/H5N8 tại 3 tỉnh: Hòa Bình, Cao Bằng và Quảng Ninh.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên thế giới có tổng cộng 2.757 ổ dịch do chủng virus này gây ra, chiếm gần 70% trong tổng số các ổ dịch CGC do các chủng virus khác nhau gây ra tại hàng chục quốc gia (trong đó có các quốc gia chung biên giới, gần Việt Nam).

Quyết Thắng