Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 63% diện tích tự nhiên của tỉnh Quảng Ngãi. Toàn vùng có 61 xã thuộc 5 huyện miền núi là Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà và 3 huyện đồng bằng là Bình Sơn, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành. Dân số toàn vùng là 230.000 người với 29 dân tộc anh em cùng chung sống. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, Quảng Ngãi đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là khơi dậy được ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX xác định phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình để thực hiện. 

anh man hinh 2024 03 03 luc 015008.png
Quảng Ngãi đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi dành gần 3.500 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hơn 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng hơn 1.400 tỷ đồng) đầu tư cho ba chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, riêng Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và Chương trình giảm nghèo bền vững được phân bổ hơn 1.800 tỷ đồng. Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Quảng Ngãi đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là khơi dậy được ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân.

Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tăng trên 2 lần so với năm 2020 (đạt 28,8 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi mỗi năm giảm 4-4,5%.

Tỉnh phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố.

Cùng với đó, 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỉnh cũng tập trung đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Thời gian tới, Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư cho vùng núi theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án có sức lan tỏa, tạo sinh kế bền vững, giảm nghèo bền vững. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao của người dân.

Khánh Vy