Một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm đặc trưng của Quảng Ngãi là giúp doanh nghiệp tham gia vào các sự kiện hội nghị, hội chợ ngành công thương trong tỉnh, khu vực và quốc gia. Từ đây, các sản phẩm sẽ được các đơn vị kinh doanh biết đến, tìm hiểu và hợp tác kết nối tiêu thụ, đặc biệt là đưa vào hệ thống phân phối chuyên nghiệp tại các thị trường lớn.

Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi tích cực kết nối, đưa doanh nghiệp của tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại: hội nghị “Quảng Ngãi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp tại TP.HCM”; hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ tại Bình Định; hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024 tại tỉnh Kiên Giang. 

Trong tháng 10/2024, Sở Công thương kết nối các doanh nghiệp của tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP tham gia “Hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Nghệ An và các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ năm 2024 tại tỉnh Nghệ An”.

sanh 1.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: HTX OCOP tỉnh Quảng Ngãi

Thực hiện chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, Sở Công thương còn tổ chức hoạt động bán hàng Việt tại nông thôn huyện Bình Sơn và thị xã Đức Phổ. Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh tham gia mô hình thương mại điện tử.

Các huyện, thị xã đưa sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ thương mại, kích cầu tiêu dùng. Đơn cử như huyện Sơn Hà đã đưa sản phẩm từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện đến với người tiêu dùng thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện... được tổ chức trong và ngoài tỉnh. 

Tại các hoạt động như: Liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca, Đại hội dân tộc thiểu số, huyện Sơn Hà đã lồng ghép trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương, cũng như các sản phẩm đặc trưng của từng xã, thị trấn. Qua đó, giúp các chủ thể có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong cách sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời, điều này mở ra cơ hội giao thương, buôn bán, thúc đẩy phát triển thị trường.

Bên cạnh các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP, huyện Sơn Hà đã tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn tiếp tục hỗ trợ các chủ thể đăng ký, làm hồ sơ tham gia dự thi, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong năm 2024, trên địa bàn huyện có 6 sản phẩm OCOP dự kiến công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận đạt 3 sao gồm: Rượu nếp Vinh Duyên, dê núi Khương Đình, ớt xiêm rừng Sơn Hà, muối ớt xiêm rừng, ổi sạch Ngọc Lan, dầu phụng Sơn Hà.

Thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện được nhiều người biết đến và tin dùng, giúp doanh số bán hàng tăng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, phân hạng giúp thúc đẩy sản xuất, gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân.

Liên minh hợp tác xã tỉnh thường xuyên chủ trì và phối hợp với các sở, ngành tổ chức cho các hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Qua đó, giúp các hợp tác xã có cơ hội tìm kiếm các đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Toàn tỉnh hiện có hơn 240 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động. Nhiều hợp tác xã đã không ngừng đổi mới từ quy mô hoạt động đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm để bắt nhịp với xu thế thị trường. Tính đến cuối tháng 10/2024, toàn tỉnh có 44 sản phẩm của 33 hợp tác xã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Liên minh hợp tác xã tỉnh đã hỗ trợ cho 30 lượt hợp tác xã đưa sản phẩm tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức tại các tỉnh, thành phố như: Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội, TP.HCM... 

Bên cạnh đó, Liên minh hợp tác xã tỉnh đã phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh Quảng Trị, Liên minh hợp tác xã tỉnh Hậu Giang tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Quảng Trị - Quảng Ngãi và Quảng Ngãi - Hậu Giang. Đồng thời, phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa tổ chức chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm trong quản lý, điều hành các hoạt động, quản trị tài chính, liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp dịch vụ...

Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã chủ trì và phối hợp với các sở, ngành tổ chức cho các hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Qua đó, giúp các hợp tác xã có cơ hội tìm kiếm các đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Toàn tỉnh hiện có hơn 240 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động. Nhiều hợp tác xã đã không ngừng đổi mới từ quy mô hoạt động đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm để bắt nhịp với xu thế thị trường. 

Diệu Bình