Để người dân tộc thiểu số có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, tỉnh Quảng Ngãi đã dành nhiều nguồn lực và triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng dân tộc, miền núi...

Các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo, làm thay đổi nhận thức, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân vùng dân tộc thiểu số, các địa phương cơ sở đã đã lồng ghép nguồn vốn các chương trình của Đảng, Nhà Nước để hỗ trợ sản xuất cho người dân; hỗ trợ nhưng yêu cầu đối ứng. Cách làm này đã khắc phục tư tưởng trông chờ, ỉ lại của người dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế.

Mỗi khi triển khai các chính sách, các cấp huyện, xã  đều phân công cán bộ địa phương giám sát để hướng dẫn cụ thể và khắc phục những hạn chế giúp bà con. Nhờ đó, một số các mô hình chăn nuôi, trồng trọt đều thành công. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống.

Năm 2020, từ nguồn vốn Chương trình 135, Ban Dân tộc tỉnh đã phân bổ cho các huyện miền núi gần 16,5 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa kinh tế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả. Các địa phương đã xây dựng được 54 dự án phát triển sản xuất và 11 mô hình hỗ trợ cây, con giống các loại, tạo điều kiện cho người dân các thôn, xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân.

Bên cạnh đó, các huyện miền núi còn huy động nguồn lực xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, như: giao thông, thủy lợi, nước sạch, trường học, nhà văn hóa... Năm 2020, riêng từ nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 30a và Chương trình 135 đã có 240 công trình được đầu tư xây dựng, với tổng số vốn hơn 377 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, trong những năm qua, tỉnh tiếp tục được thực hiện có hiệu quả chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho người dân tộc thiểu số và các huyện miền núi, chính sách đối với người có uy tín, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hỗ trợ chính sách bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số, đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong người dân tộc thiểu số.

Đồng bào dân tộc Hrê 

Qua nhiều năm thực hiện, chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số được đánh giá là chính sách hợp lòng dân, từng nội dung đầu tư, hỗ trợ đều có tác động trực tiếp thúc đẩy kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi. Nếu như đầu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khu vực miền núi trên địa bàn còn 36,8%, đến cuối năm 2020 giảm còn 25,6%.

Đại diện Ban Dân tộc cho hay, trong thời gian tới, cùng với tập trung thực hiện đề án Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các huyện miền núi Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện các chính sách dân tộc đang còn hiệu lực thi hành, trong đó việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.

Những kết quả ghi nhận được từ Quảng Ngãi cho thấy việc triển khai đúng hướng, bài bản và sáng tạo các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn đã góp phần đáng kể làm thay đổi đời sống người dân tộc thiểu số, giúp họ đẩy mạnh sản xuất, xóa đói, giảm nghèo như mục tiêu của Đảng và Nhà nước đặt ra.

Trần Chung, Linh Trang, Thu Hà, Hoài Thanh, Phùng Thuỷ