Giữ vững an ninh trật tự tại cơ sở là một trong những tiêu chí quan trọng để xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm tuyên truyền sâu rộng, vận động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ.
Vân Đồn là địa phương đang tiến hành đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023. Mới đây, đoàn công tác của Công an tỉnh Quảng Ninh đã khảo sát thực tế, thẩm tra tiêu chí an ninh trật tự trên địa bàn huyện theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, hướng dẫn địa phương, cơ sở giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện, phát hiện những mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả để nhân rộng toàn tỉnh.
Trên địa bàn huyện, nhiều mô hình tự quản được duy trì hiệu quả đã hỗ trợ cho lực lượng công an chính quy hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo thôn xóm bình yên. Tiêu biểu như các tổ an ninh do cựu chiến binh làm nòng cốt tại khu dân cư; lắp đặt camera an ninh công cộng bằng kinh phí xã hội hóa; tổ hòa giải tại cơ sở...
Tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh như Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà..., phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được cụ thể hóa thành những mô hình phù hợp với từng cơ sở. Điểm sáng tại các địa phương này là những mô hình, phong trào: “Người có uy tín tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở” (huyện Ba Chẽ); “Đồng bào dân tộc giữ gìn phong tục, tập quán, ngăn chặn xâm phạm của tà đạo, tạp đạo từ biên giới và trong nội địa” (xã Quảng Đức, huyện Hải Hà); “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản, khu vực biên giới" (huyện Bình Liêu)...
Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện duy trì hơn 200 mô hình phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; gần 5.000 tổ nhân dân, tổ liên gia tự quản an ninh trật tự; gần 430 cụm dân cư tự quản an ninh trật tự. Tỉnh đã xây dựng mô hình điểm về an ninh cơ sở tại 29 địa bàn cấp xã của 13 huyện, thị xã, thành phố.
Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc không chỉ triển khai mạnh mẽ tại địa bàn dân cư, mà còn tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trong toàn tỉnh. Đặc biệt là đã có sự đổi mới để ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn diện, khuyến khích người dân lan tỏa những thông tin tích cực, tạo môi trường mạng an toàn, tin cậy, không để thông tin giả, xấu độc tràn lan gây xôn xao dư luận. Đây những là yếu tố quan trọng, tạo thêm sức mạnh góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.