Cầu Cửa Lục 3, chậm tiến độ để bảo vệ rừng ngập mặn
Tháng 12/2023 này, Cầu Cửa Lục 3 chính thức đi vào hoạt động sau thời gian chậm tiến độ để điều chỉnh hướng tuyến nhằm bảo vệ cho được diện tích rừng ngập mặn khu vực cầu đi qua, đồng thời không làm ảnh hưởng tới các khu vực sinh thái tự nhiên trong vịnh Cửa Lục.
Phát biểu với báo chí trong buổi kiểm tra tiến độ công trình trước ngày thông xe cầu Cửa Lục 3, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, sau khi nghiên cứu kĩ các phương án và chấp nhận điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh tiến độ nhằm đảm bảo hạn chế tác động môi trường, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn phía dưới các trụ cầu đã khiến cầu Cửa Lục 3 chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu.
“Tuy nhiên, chúng tôi cho đây là xứng đáng khi những cánh rừng ngập mặn phía dưới công trình được đảm bảo gần như nguyên vẹn. Những diện tích rừng bị tác động phía dưới các trụ cầu hay đường công vụ sẽ được Ban quản lý dự án phục hồi cùng thời điểm bàn giao công trình, nhằm đảo bảo phục hồi nguyên trạng diện tích rừng ngập mặn quý giá của vịnh cửa Lục – thảm xanh giữa lòng TP Hạ Long”, ông Ký nói.
Được biết, nhằm tiếp tục tạo kết nối mới giữa trung tâm TP Hạ Long với các xã, phường của huyện Hoành Bồ cũ vừa sáp nhập vào TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng liên tiếp 3 cây cầu nối 2 khu vực này xuyên qua vịnh Cửa Lục (Cầu Tình Yêu, Cầu Cửa Lục 2 và Cửa Lục 3). Điều đáng nói, những bản thiết kế và phương pháp thi công đều có chung yêu cầu, phải bảo vệ diện tích rừng ngập mặn trong vịnh Cửa Lục.
Quay lại với cầu Cửa Lục 3 bắc qua sông Diễn Vọng, cầu dài hơn 2,6km, thiết kế 6 làn xe, kết cấu bê tông cốt thép, điểm đầu đấu nối tuyến đường trục chính Khu đô thị FLC tại phường Hà Khánh, điểm cuối giao với quốc lộ 279, thuộc địa phận xã Thống Nhất, TP Hạ Long. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Theo đại diện BQL dự án, dự án gặp nhiều khó khăn khi phải điều chỉnh thiết kế hướng tuyến để tránh ảnh hưởng, tác động đến hệ sinh thái rừng ngập mặn trong khu vực.
Cụ thể, thay đổi hướng tuyến để không đi sâu vào tâm những cánh rừng ngập mặn, phương án thi công cũng đổi từ đổ đất đắp nền sang đổ trụ để giảm diện tích rừng bị ảnh hưởng phía dưới gầm cầu. “Đến cuối năm 2021, toàn bộ mặt bằng thi công đầu cầu phía Hoành Bồ cũ mới được bàn giao để nhà thầu tổ chức thi công, chậm 13 tháng so với kế hoạch. Về phương án thi công, chúng tôi triển khai từng nhánh một, để hạn chế diện tích đường công vụ không làm ảnh hưởng quá nhiều đến diện tích rừng phía dưới”, đại diện BQL dự án cầu Cửa Lục 3 nói.
Cũng theo đại diện BQL dự án cầu Cửa Lục 3, toàn bộ mặt bằng thi công đầu cầu phía Hoành Bồ nằm trên mặt nước, rừng sú vẹt, nên điều kiện thi công cũng khá khó khăn. Để thi công, BQL chỉ được làm 1 thay vì 2 đường công vụ song song với cầu (với chiều dài 1.460m để mở lối cho phương tiện vận chuyển vật liệu thi công). Khó khăn khi bố trí nguồn đất đắp từ vật liệu thải mỏ, nhiều trụ cầu mới được triển khai thay vì cốt nền như thiết kế ban đầu. Đến tháng 12 này, cầu Cửa Lục 3 đã sẵn sàng đi vào khai thác.
Bảo vệ nghiêm ngặt rừng ngập mặn
Trong những ngày cuối cùng trước thời điểm thông xe, các công nhân đang tập trung cho công tác thi công hoàn thiện. Cụ thể, làm dải trồng hoa 2 bên, đắp đất đường dẫn nối quốc lộ 279, lát đá vỉa hè, lắp đặt cột điện chiếu sáng, đặt biển báo, vạch sơn, thảm bê tông nhựa mặt cầu và thử tải trước khi bàn giao/ khánh thành. Song song với các nhiệm vụ trên, một hạng mục mà bất cứ các công trình giao thông nào của Quảng Ninh cũng đều phải thực hiện trong những năm gần đây chính là phục hồi nguyên trạng các khu vực sinh thái bị ảnh hưởng xung quanh công trình.
Cụ thể, với những tuyến đường, cầu vượt… đi qua rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn… thì khu vực ấy phải được trồng lại cây bị chết. Trước đây cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, hay các cầu Cửa Lục là những ví dụ rõ nét nhất trong quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu phát triển xanh và bền vững. Diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng bởi các công trình nói trên đều được phục hồi nguyên trạng, hoàn nguyên môi trường nhằm giữ nguyên cảnh quan khu vực – một hạng mục “phát sinh” được Quảng Ninh rất chú ý trong những năm gần đây.
Về bản chất, rừng ngập mặn hay còn gọi là rừng sác là một loại rừng bị ngập nước mặn hoặc nước lợ do tác động của thủy triều ở vùng cửa sông, ven biển. Rừng ngập mặn được ví là tài nguyên quý giá về lâm sản, là nơi ở, nơi cư trú và cung cấp thức ăn cho nhiều loại thủy sản có giá trị. Tuy nhiên do nhiều lí do rừng ngập mặn ở nhiều nước trong đó có Việt Nam đã bị tàn phá, khai thác bừa bãi, lãng phí để lấy củi than, gỗ, chất đốt, sản xuất nông nghiệp, nuôi tôm cá… khiến diện tích bị suy giảm nghiêm trọng.
Chính vì vậy, Quảng Ninh quyết tâm bảo vệ bằng được diện tích các cánh rừng ngập mặn của địa phương nhằm chống phèn mặn, bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ, chống lại tình trạng xói lở bờ biển, bờ sông; bảo vệ môi trường sinh thái… được coi là hình mẫu để các địa phương ven biển của Việt Nam học tập.