Trong những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt coi trọng công tác truyền thông quảng bá, luôn xác định công tác truyền thông phải đi trước một bước. Trong đó, công tác truyền thông chính sách đóng góp quan trọng vào mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần to lớn vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng; những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu lãng phí và suy thoái đạo đức, lối sống... 

anh 1s.jpg
Các phương thức truyền thông chính sách được tỉnh Quảng Ninh tiến hành đa dạng, trên nhiều nền tảng phương tiện. Ảnh: T.Q 

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, năm 2023 kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 11,03%. Đây là lần đầu tiên Quảng Ninh đứng thứ nhất Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước, là năm thứ 9 liên tiếp từ năm 2015 đến nay đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số. GRDP bình quân đầu người ước đạt 9.500 USD, tăng 14% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 104.217 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ. Tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước ước đạt 5,0 tỷ USD, trong đó thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 1,9 tỷ USD, vượt 17,3% kế hoạch; thu hút vốn FDI đạt 3,1 tỷ USD, gấp 3,1 lần kế hoạch năm.

Để đạt được những kết quả nổi bật như trên, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp truyền thông chính sách. Theo đó, công tác tuyên truyền chính sách được đẩy mạnh trên tất cả các hạ tầng truyền thông của báo chí tỉnh, các cơ quan báo chí Trung ương hợp tác, có văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở của tỉnh, bảo đảm chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chính xác, đầy đủ và kịp thời tới người dân và xã hội. 

Các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các quan điểm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, công tác vận động người dân tuân thủ các quy định của pháp luật, cũng như thông tin đính chính, lên án các thông tin sai lệch, tin giả được chuyển tải chính xác và kịp thời tới người dân, góp phần hỗ trợ thông tin, nâng cao nhận thức cho người dân. Công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại được triển khai chủ động, đồng bộ, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi, góp phần giúp bạn bè quốc tế và các đối tác hiểu đúng, ghi nhận, đánh giá cao về các chính sách của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Cùng với đó, các phương thức truyền thông chính sách được tiến hành đa dạng, trên nhiều nền tảng phương tiện. Bên cạnh các phương thức truyền thống, trong thời gian gần đây, việc sử dụng các phương tiện hiện đại, phi truyền thống như truyền thông qua tin nhắn SMS, truyền thông trên các loại hình mạng xã hội và các ứng dụng khác trên nền tảng Internet… để truyền thông chính sách cũng được tỉnh Quảng Ninh quan tâm chú trọng.

Quảng Ninh cũng đã sử dụng đồng bộ hệ thống cổng thông tin điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã, mạng xã hội bao gồm: các trang fanpage DDCI trên mạng xã hội Facebook, các tài khoản Zalo do các sở, ngành, địa phương quản trị như một công cụ quan trọng để vừa cung cấp thông tin, tuyền thông chính sách đến người dân, vừa tiếp nhận các ý kiến phản hổi của người dân về các nội dung này.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng với phát triển kinh tế – xã hội, công tác truyền thông cần đi trước để giúp các cơ quan quản lý nhà nước nhận biết, nắm bắt các vấn đề, các nhu cầu xã hội để hình thành chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo sự đồng thuận để mang lại hiệu quả tốt nhất cho khâu thực thi đối với chính sách.

Để đáp ứng các yêu cầu trên, truyền thông chính sách phải được đổi mới cả về nội dung truyền thông cũng như phương thức thực hiện. Cụ thể về nội dung, cần bảo đảm chuyển tải đầy đủ kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân và xã hội.

Về phương thức truyền thông, cần tiếp tục đa dạng hóa các phương pháp và phương tiện truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện đặc thù của các vùng miền để các thông tin đến được với người dân, xã hội một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Bên cạnh các kênh thông tin truyền thống đang hoạt động rất hiệu quả như báo chí, truyền hình, phát thanh… cần tăng cường sử dụng các phương tiện, hình thức tuyên truyền phi truyền thống như mạng xã hội, tin nhắn tuyên truyền… 

Ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, cần được sử dụng linh hoạt cả các hình thức tuyên truyền như hệ thống loa phát thanh của xã, thôn, bản. Phát huy tối đa hoạt động truyền thông qua đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên đến từng hộ gia đình, từng người dân.

Tiến Quang