Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số phát huy khả năng, sự đóng góp của mình ở nhiều lĩnh vực.
Ra mắt 03 "Tổ truyền thông cộng đồng"
Tỉnh triển khai đa dạng các hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền là giải pháp “mưa dầm thấm lâu”, góp phần giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới.
Mới đây nhất, 03 tổ truyền thông cộng đồng vừa ra mắt tại xã Tân Dân, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh, chăm lo cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số; trao cho họ cơ hội vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng.
Hội LHPN thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vừa phối hợp cùng UBND xã Tân Dân (thành phố Hạ Long) tổ chức ra mắt 03 "Tổ truyền thông cộng đồng" tại thôn Tân Lập, Đồng Mùng và Khe Cát. Các tổ truyền thông cộng đồng có sự tham gia của 07 thành viên/tổ.
Theo chia sẻ từ đại diện Hội LHPN thành phố Hạ Long, mô hình Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập với mục đích tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình, những tập tục văn hóa có hại và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đây cũng là hoạt động nhằm đẩy mạnh, chăm lo đến đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, thúc đẩy quyền, trao cho họ cơ hội vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững.
"Tổ truyền thông cộng đồng" còn là một trong những chuỗi hoạt động của Dự án 8 về "Thực hiện công tác bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn I năm 2024 trên địa bàn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, đặc thù
Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, tăng cường bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em ở vùng DTTS, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, đặc thù.
Công tác truyền thông nâng cao nhận thức được tăng cường, mở rộng địa bàn; tăng số lượng người tham gia và được đổi mới hiệu quả để phù hợp với từng khu vực, từng địa phương.
Các ngành chức năng, địa phương cũng tích cực tuyên truyền thực hiện pháp luật về bình đẳng giới lồng ghép với thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống mua bán người, huy động sự tham gia tích cực của nam giới và giới trẻ.
Điển hình như UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025".
Qua đó, góp phần phòng chống tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 11% vào năm 2025 theo mục tiêu Nghị quyết 06/NQ-TU của Tỉnh ủy và xuống dưới 17% đối với thể thấp còi theo mục tiêu Kế hoạch của tỉnh thực hiện Chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh và Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030.
187 mô hình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế
Thời gian qua, các cấp hội Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phấn đấu hỗ trợ 400 hộ thoát nghèo, trong đó có 34 hộ nghèo, 259 hộ cận nghèo và 107 hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Tính đến đầu năm nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 187 mô hình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế tại các khu vực tập trung đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Các chương trình, hoạt động trên đây là mô hình góp phần triển khai thực hiện Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 với mục tiêu thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Nhóm PV