Trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện, tỉnh Quảng Ninh xác định trục chính quyền số là nền tảng quan trọng, tạo cơ sở vững chắc trong việc chuyển đổi căn bản lề lối, phương thức làm việc, nhất là trong hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng; quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân.
Bám sát các mục tiêu nhiệm vụ về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 09-NQ/TU (5/2/2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ năm 2022 đến nay, Quảng Ninh xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền số là một mục tiêu quan trọng cần triển khai đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở.
Nội dung này đã được UBND tỉnh cụ thể hóa thông qua Kế hoạch số 60/KH-UBND (1/3/2022) của UBND tỉnh triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; thành lập các Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cấp huyện và các sở, ngành…
Tỉnh cũng tập trung thực hiện Dự án Phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP) đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm đảm bảo kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; nâng cấp hệ thống Một cửa điện tử và Cổng Dịch vụ công của tỉnh đáp ứng các yêu cầu về cơ chế một cửa, một cửa điện tử liên thông...
Với nhiều giải pháp tích cực, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành 10/11 mục tiêu của trụ cột phát triển chính quyền số, một mục tiêu còn lại đang thực hiện; trong đó, có nhiều mục tiêu đạt với kết quả cao.
Tổng hợp từ Cổng Dịch vụ công của tỉnh, số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến của cấp tỉnh là 40.356 hồ sơ (đạt 98,55%), cấp huyện là 110.942 (đạt 98,6%), cấp xã là 143.424 hồ sơ (đạt 97%).
Từ ngày 01/8/2024 đến hết ngày 31/8/2024, số hồ sơ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia là 30.164/52.571, đạt 57,4%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ khai khác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa toàn tỉnh đạt 78,01% trong khi mục tiêu đề ra là tối thiểu 50%…
Qua theo dõi thực tế Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã cơ bản đạt chỉ tiêu 90% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ/ số thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ.
Đến tháng 10/2024, toàn tỉnh thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính đạt 100% (10.823/10.823 hồ sơ). Cấp tỉnh đã thực hiện số hóa 133.345 hồ sơ đầu vào (đạt 90,7%), trả 52.113 kết quả bản điện tử (đạt 35,2%).
Chỉ tính trên hệ thống Một cửa điện tử tỉnh, cấp tỉnh đã số hóa 51.776 hồ sơ đầu vào (đạt 99,1%), trả 51.846 kết quả bản điện tử (đạt 97,8%); cấp huyện đã số hoá 128.066 hồ sơ đầu vào (đạt 99,3%), trả 124.779 kết quả bản điện tử (đạt 93,9%); cấp xã đã số hoá 180.803 hồ sơ (đạt 98,2%), trả 179.309 kết quả bản điện tử (đạt 96,5%).
Kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính của tỉnh được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và công bố, công khai thủ tục hành chính đúng hạn đạt 100% (411.654 hồ sơ).
Mức độ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp đạt 17,7/18 điểm, bằng 98%.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cũng đẩy mạnh tạo lập cơ sở dữ liệu số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Từ đó đổi mới hoàn toàn hoạt động của bộ máy chính quyền, tiết kiệm nhiều thời gian, kinh phí, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, nhằm tạo sự liên kết, đồng bộ trong hệ thống chính quyền số của tỉnh với Trung ương, Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương tiên phong trong việc triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của tỉnh với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ chuyển đổi số đồng bộ, thống nhất.