Theo ông Đinh Sỹ Nguyên, Phó Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh, một trong những khó khăn của việc bảo đảm ATTT trong Chính phủ điện tử đến từ nhận thức và thay đổi thói quen của cán bộ công chức khi tham gia hệ thống. Ảnh: Internet |
Ông Nguyên cho rằng, triển khai ATTT là một trong những phần việc mà lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh quan tâm ngay từ đầu khi triển khai Chính phủ điện tử trên địa bàn. Bởi Quảng Ninh xác định việc ứng dụng CNTT đem lại nhiều thuận lợi cho công tác quản lý điều hành nhưng kèm theo đó là những rủi ro về mất ATTT.
Do đó, ngay từ đầu, Quảng Ninh đã có những biện pháp kỹ thuật, phương án ATTT trong tất cả những dự án về Chính phủ điện tử như thiết bị đầu cuối, tường lửa cho hệ thống web, hệ thống, cơ sở dữ liệu… Thiết bị ATTT nhập về đều được kiểm tra bởi những đơn vị chuyên ngành của Bộ Công an. “Tuy nhiên, việc kiểm tra này cũng gặp nhiều khó khăn do ở Quảng Ninh không có đơn vị đủ năng lực thực hiện, tất cả các thiết bị đều phải nhờ Bộ Công an nên mất nhiều thời gian”, ông Nguyên nói.
Khó khăn tiếp theo, ông Nguyên cho rằng đến từ nhận thức và thay đổi thói quen về ATTT của các bộ công chức khi tham gia hệ thống. Vì thế, khi cài đặt những hệ thống đảm bảo, kiểm soát ATTT xuất hiện độ trễ đến từ trình độ CNTT của từng người không đồng đều.
“Để khắc phục khó khăn này, chúng tôi đã tập trung nhiều biện pháp từ công tác lãnh đạo chỉ đạo điều hành cho đến hỗ trợ, bàn giao, đôn đốc và giám sát”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyên, từ năm 2012, Quảng Ninh xác định xây dựng Chính quyền điện tử và Trung tâm Hành chính công là một trong những nhiệm vụ trong tâm của tỉnh. Sau 7 năm thực hiện, nền tảng cốt lõi của Hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thiện: Hoàn thành việc xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế Tier III; hoàn thành xây dựng mạng WAN trong toàn tỉnh, từ cấp tỉnh đến 186 xã, phường, thị trấn; 100% cơ quan hành chính có mạng LAN; phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước trong toàn tỉnh, để từ đó có đến trên 97% văn bản điện tử được trao đổi giữa cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ninh; 100% các thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã được chuẩn hoá, thiết lập, theo dõi quá trình giải quyết trên mềm một một cửa điện tử liên thông...
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đầu tư hệ thống phát hiện cảnh báo tấn công sớm cách đây 2 năm. Trong đề án phát triển Thành phố thông minh, tỉnh cũng xây dựng một trung tâm giám sát ATTT mạng của tỉnh. Trung tâm kiểm soát ATTT của Quảng Ninh được xây dựng với mục tiêu xây dựng hệ thống nền tảng điều hành an ninh bảo mật đủ mạnh để giám sát phát hiện hệ thống và ngăn chặn được hầu hết các tấn công trên mạng Internet nhằm khai thác các lỗ hỏng của các ứng dụng, thiết bị trong mỗi hệ thống mạng của các tổ chức, bao gồm toàn bộ hạ tầng thông minh của đề án Thành phố thông minh tại 93 đơn vị.
Hàng tuần trung tâm đều có báo cáo đánh giá, nhưng chưa phát hiện sự cố nào lớn cả. “Vì thế, chúng tôi có thể đảm bảo cho việc đầu tư tiếp theo cho hệ thống Chính quyền điện tử và TP thông minh, nhưng vẫn phải có phương án củng cố và nâng cao thêm hệ thống ATTT hiện tại”, ông Nguyên kết luận.