Thực hiện nội dung chủ đề công tác năm 2024 về phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với Nghị quyết số 17-NQ/TU (30/10/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Ninh tập trung triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình của đơn vị. Trong đó, đẩy mạnh giải pháp truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa...

quảng ninh.jpg
Quảng Ninh có nền văn hóa đặc sắc với tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế.

Ngành văn hóa tập trung tham mưu Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU; Kế hoạch chuyên đề thực hiện chủ đề công tác năm 2024... Thực hiện rà soát, đánh giá và xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa; Đề án Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin nhằm phát triển, khai thác, phục vụ hiệu quả thư viện số; xây dựng Đề án Thí điểm hình thành và phát triển Khu công nghiệp văn hóa ứng dụng công nghệ cao tại TP Hạ Long; Đề án Thí điểm thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa Quảng Ninh; bộ nhận diện thương hiệu Quảng Ninh. Tổ chức các chương trình học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước về xây dựng công nghiệp văn hóa; xây dựng Đề án mô hình “Thôn, làng, khu dân cư văn hóa kiểu mẫu”.

Hàng năm, xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đặc sắc nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh, phục vụ cán bộ nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời, gắn phát triển văn hóa với xây dựng nông thôn mới; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền trong tỉnh.

Trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ngành văn hóa đã phối hợp hoàn thành hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO ghi danh Di sản thế giới; Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; hoàn thành xếp hạng cho 12 di tích. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh được xếp hạng và 466 di tích kiểm kê.

Năm 2024, ngành văn hóa sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có; chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch của địa phương...

Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền về chất lượng giáo dục; nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. 

Cập nhật, bổ sung, lồng ghép hệ giá trị lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh vào tài liệu giáo dục địa phương các cấp. Phát động các cuộc thi, hoạt động trải nghiệm… tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh.

quảng nih.jpeg
Quảng Ninh nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo.

Phối hợp thực hiện các hoạt động tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lãnh thổ biên giới quốc gia và xây dựng khu vực biên giới. Tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của Quảng Ninh; giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu quê hương; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường; góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, học viên vào sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của tỉnh.

Hội nhập quốc tế trong giáo dục, triển khai, tổ chức thực hiện hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và 03 tỉnh Bắc Lào (Huaphanh, Luang Prabang, Sayabury); Chương trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với tỉnh Quảng Ninh; Chương trình dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp của Trường THPT Hòn Gai và Trường Tiểu học Hữu Nghị (thành phố Hạ Long) với Tổ chức ABCDE nhằm mục tiêu thúc đẩy việc học tiếng Pháp và các môn khoa học bằng tiếng Pháp: Toán và Vật lý của Chương trình Song ngữ; …

Giáo dục thẩm mỹ, nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn minh, truyền thống văn hóa dân tộc, tôn trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân tương ái”, kỹ năng xã hội, nhất là thế hệ trẻ thông qua các chương trình giáo dục nhà trường, các hoạt động xã hội và trên các phương tiện truyền thông. Tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”; tạo điều kiện để người dân học tập suốt đời trên nền tảng số. 

Thực hiện phối hợp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Quảng Ninh; các công trình kiến trúc, cảnh quan mang bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng; thiết chế văn hóa; văn học, nghệ thuật; thể dục, thể thao. Phấn đấu tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu UNESCO.

học sinh.jpg
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa của các học sinh tỉnh Quảng Ninh.

Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh còn đưa các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian vào chương trình giáo dục và sinh hoạt ngoại khóa nhằm bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Điều đáng mừng là những hoạt động này được các em học sinh tích cực hưởng ứng.

Huyện Đầm Hà là một trong những địa phương của Quảng Ninh còn lưu giữ được di sản hát nhà tơ, hát múa cửa đình đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015. Tiếp tục phát huy giá trị di sản, từ đầu năm 2024, UBND xã Đầm Hà, Đoàn Thanh niên đã phối hợp cùng Trường Tiểu học và Trường THCS xã Đầm Hà triển khai lớp truyền dạy ngoại khóa hát nhà tơ hằng tuần cho học sinh.