Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận và được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022.
Diện mạo nông thôn đổi mới, khang trang, sạch đẹp hơn, tạo được không khí xây dựng nông thôn mới rộng khắp các miền quê. Đời sống của người dân được cải thiện; văn hóa xã hội, môi trường khu vực nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được giữ vững.
Sau khi được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh các kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ đầu năm, tỉnh quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa.
Tỉnh đặt mục tiêu có thêm 2 huyện (Vân Đồn, Hải Hà), 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Quảng La, TP Hạ Long; xã Sông Khoai, TX Quảng Yên), 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã Hồng Thái Tây, TX Đông Triều; xã Quảng Minh, huyện Hải Hà); tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới.
Đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu còn chưa cao. Xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể tại địa phương, phân công, phân cấp rõ ràng về trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân người đứng đầu và tiến độ thực hiện. Phân bổ vốn ngân sách tỉnh, nguồn vốn đối ứng, kế hoạch huy động nguồn lực khác.
Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên bố trí đi kiểm tra việc thực hiện một số nhiệm vụ, công trình, dự án thuộc Chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh tổ chức các hội nghị quan trọng đánh giá kết quả, ban hành kế hoạch triển khai chương trình, chỉ đạo UBND các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện Đề án thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc...
Đặc biệt hằng tháng, hằng quý, tỉnh họp nghe và cho ý kiến về báo cáo kiểm điểm tiến độ các nhiệm vụ trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, như tình hình giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án, hoàn thiện hồ sơ công nhận...
Đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt, những giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các xã trong kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đã hoàn thành nhiều tiêu chí, chỉ tiêu.
Cụ thể: Xã Sông Khoai (TX Quảng Yên) đạt 11/19 tiêu chí, 57/75 chỉ tiêu; xã Quảng La (TP Hạ Long) đạt 10/19 tiêu chí, 56/75 chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao. Xã Hồng Thái Tây (TX Đông Triều) đạt 5/6 tiêu chí, 14/15 chỉ tiêu; xã Quảng Minh (huyện Hải Hà) đạt 11/19 tiêu chí, 61/75 chỉ tiêu nông thôn mới kiểu mẫu.
Các xã đang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu, đảm bảo xây dựng nông thôn mới bền vững. Hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao của các xã tăng so với đầu năm.
Đồng thời nâng cao chất các tiêu chí, chỉ tiêu cấp huyện để đảm bảo xây dựng nông thôn mới được bền vững. Cụ thể: Huyện Vân Đồn đạt 8/9 tiêu chí, 36/38 chỉ tiêu, tăng 5 tiêu chí, tăng 6 chỉ tiêu so với đầu năm; huyện Hải Hà đạt 6/9 tiêu chí, 32/38 chỉ tiêu, tăng 2 tiêu chí, tăng 6 chỉ tiêu so với đầu năm.
Việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2022 đảm bảo tiến độ đề ra.
TP Hạ Long, huyện Vân Đồn đã hoàn thiện báo cáo giải trình và hồ sơ đề nghị xét công nhận hoàn thành/ đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Bình Liêu, huyện Tiên Yên đã xây dựng xong dự thảo báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ, lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới; huyện Đầm Hà đang hoàn thiện hồ sơ...
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỉnh có 336 sản phẩm OCOP của 13/13 địa phương đạt từ 3 - 5 sao; trong đó có 245 sản phẩm đạt 3 sao, 87 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 5 sao.
Toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP; trong đó có 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ sản xuất. 100% các sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao được đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện các phong trào. Rà soát hoàn thiện, ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu chưa cao. Đẩy nhanh tiến độ các dự án; tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cán bộ quản lý Chương trình OCOP...
Đồng thời tổ chức thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 đối với các xã Húc Động, Quảng Long, Cái Chiên, Quảng Minh, Đại Bình và các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà để trình Trung ương thẩm định.