Hình ảnh số hóa 3D khu vực chùa Ngọa Vân, TX Đông Triều.
Hình ảnh số hóa 3D khu vực chùa Ngọa Vân, TX Đông Triều.

Với bề dày lịch sử, Quảng Ninh tự hào có kho tàng di sản văn hóa đồ sộ gồm 630 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, Quảng Ninh được biết tới là tỉnh có 1 di sản thiên nhiên thế giới, 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh, 2 di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, 7 di sản phi vật thể quốc gia và 13 bảo vật quốc gia.

Trên địa bàn tỉnh còn có 362 di sản văn hóa phi vật thể gồm 7 loại hình gồm: 76 lễ hội dân gian truyền thống, 25 di sản, nghề thủ công truyền thống, 22 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 14 di sản ngữ văn dân gian, 168 di sản tập quán xã hội, 7 di sản tiếng nói chữ viết, 50 di sản tri thức dân gian. Đấy là còn chưa kể đến 465 di tích đã được kiểm kê chưa xếp hạng. 

Phát huy thế mạnh sẵn có, tỉnh nhà đã tích cực bảo tồn, quảng bá, kết nối và phát huy các giá trị di sản văn hoá của tỉnh nói riêng và của Việt Nam nói chung thành các sản phẩm du lịch văn hoá thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành "Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững" đặt ra đến năm 2023 là số hóa 100% các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể đã được xếp hạng.

Để đạt được mục tiêu đó phải tập trung thực hiện giải pháp chuyển đổi số đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh với những bước đi bài bản, vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được của tỉnh; thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với cải cách hành chính, đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ quản lý văn hoá hiệu quả, tăng cường kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu về quản lý văn hóa, con người giữa các cấp chính quyền, giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa 3D các di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia tạo ra các không gian trải nghiệm du lịch đa dạng, trở thành sản phẩm du lịch mới góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Bảo tàng Quảng Ninh là một trong những đơn vị đang làm rất tốt công tác chuyển đổi số. Ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh cho biết, ngoài việc thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong trưng bày ở bảo tàng, hiện nay, chúng tôi kết nối chia sẻ hình ảnh trực tiếp từ camera ở khu vực vườn tháp Huệ Quang ở Yên Tử. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được chia sẻ những hình ảnh về công nghiệp khai thác than, phối hợp xây dựng bảo tàng than và kết nối với Bảo tàng Quảng Ninh.

Trong sự phát triển nền báo chí cách mạng ở Vùng mỏ, việc truyền thông bản sắc văn hóa con người Quảng Ninh luôn được quan tâm đặt lên hàng đầu, góp phần giải mã, tôn vinh và quảng bá những giá trị văn hoá đặc sắc.
Hình ảnh số hoá hộp vàng Ngọa Vân - một biểu tượng của Phật giáo Trúc Lâm - đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Trong thời gian tới, ngành văn hoá Quảng Ninh chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện quy hoạch quản lý Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử ngay sau khi Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đồng thời, chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy tốt hơn nữa giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và một số công trình trong các khu, cụm di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số với các công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) trong công tác bảo tồn, bảo tàng, tôn tạo và phát huy giá trị của các di sản văn hóa.

Để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số các di sản, Bộ VH-TT&DL đang sửa đổi một số điều trong Luật Di sản để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp khoá 7. Bên lề hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa trong phát triển bền vững thành phố Hạ Long" do Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia phối hợp tổ chức, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT&DL, cho biết: Nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số về di sản văn hóa sẽ có quy định cụ thể hơn về những nội dung khuyến khích các nguồn lực xã hội để tham gia vào công cuộc số hóa di sản. Tôi nghĩ, với kho tàng di sản đồ sộ của mình, Quảng Ninh nên đẩy mạnh hơn nữa việc số hóa các di sản văn hóa.

Theo Phạm Học (Báo Quảng Ninh)