Xác định nông nghiệp là một phần quan trọng trong định hướng chuyển nền kinh tế từ nâu sang xanh, Quảng Ninh đã triển khai các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Thành tựu 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp

5 năm trước, Quảng Ninh bắt đầu thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mục tiêu đặt ra lúc ấy là chuyển dịch kinh tế nông nghiệp của tỉnh sang sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, bền vững và có khả năng cạnh tranh cao, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân, đồng thời làm thay đổi tích cực diện mạo vùng nông thôn.

Để đề án đi vào cuộc sống, các Sở Ban Ngành tại Quảng Ninh đã lắng nghe người dân, chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch sát với nhu cầu từng địa phương. 14 quy hoạch chiến lược của ngành Nông nghiệp cũng được phê duyệt để hút đầu tư vào nông nghiệp. Nhờ đó chỉ trong vòng 5 năm, Quảng Ninh đã hút được trên 7.500 tỷ đồng nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp cùng với 2.600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Hiện toàn tỉnh xây dựng được 17 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, trong đó 16 vùng có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Số dự án nông nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp nông thôn tại các địa phương ở Quảng Ninh lên tới 32 dự án với tổng vốn đăng kí đầu tư 5.167 tỷ đồng. Các thương hiệu nông sản theo chương trình OCOP của Quảng Ninh bắt đầu được cả nước biết đến, tiến tới xuất khẩu và tăng mạnh về giá trị, thương hiệu. Điều này đã đặt nền móng, tạo đà cho nền nông nghiệp Quảng Ninh phát triển.

{keywords}
 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 5 năm qua, cơ cấu nội ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch rất rõ nét, cơ cấu GRDP toàn ngành chiếm 6,3%, giá trị tăng thêm bình quân tăng trên 3,5%/năm; tăng trưởng về giá trị sản xuất của ngành tăng bình quân 10,2%; đã tăng tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản (từ 45,5% lên 52,8%), tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp. Giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác tăng từ 81,7 triệu đồng/ha lên 121,9 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 16 triệu đồng lên 35 triệu đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh hướng thâm canh

Mới đây, Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 đến 2020 theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Trong đó với từng ngành lại có các mục tiêu cụ thể.

Trong lĩnh vực trồng trọt, Quảng Ninh tập trung xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế của tỉnh, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, sớm hoàn thành đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hồng Thái Tây, thị xã Đông Triều. Đồng thời, phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao cánh đồng mẫu lớn tại các địa phương như: Thị xã Đông Triều (2.008 ha), thị xã Quảng Yên (2.200 ha), huyện Hải Hà (520ha).

Đối với lĩnh vực thủy sản, Quảng Ninh tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực, đặc biệt nuôi trồng hải sản trên biển, bền vững, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Từng bước dịch chuyển dần từ phương thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh sang nuôi thâm canh hay công nghiệp. Đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Quảng Ninh từng bước chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, theo hình thức công nghiệp và công nghệ cao, vừa nâng cao sản lượng cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi để nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng cơ sở cung ứng giống vật nuôi đảm bảo theo tiêu chuẩn. 

Mục tiêu của giai đoạn này là duy trì tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng bình quân 5-7%/năm. Trong đó thủy sản tăng trường bình quân từ 11,5 - 12,5%/năm; Nông nghiệp tăng trưởng bình quân từ 4,0-5,5%/năm; Lâm nghiệp tăng trưởng  khoảng 8,0%/năm.

D.Minh (tổng hợp)