Theo lịch tiêm phòng trên vật nuôi, một năm có 2 đợt tiêm chính, trong đó tháng 3, 4 là tiêm định kỳ đợt 1; tháng 5, 6 là tiêm bổ sung đối với đối tượng gia súc, gia cầm chưa tiêm định kỳ đợt 1. Sau đợt 1, sẽ tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ đợt 2, vào tháng 9, 10. Tỷ lệ tiêm định kỳ mỗi đợt phải đạt tối thiểu 80% tổng số lượng vật nuôi thuộc đối tượng tiêm, qua đó tạo ra miễn dịch chủ động, bảo vệ cho mỗi vật nuôi và cả những vật nuôi có hệ miễn dịch suy yếu.

{keywords}
Quảng Ninh: Tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng đạt 60%

Tại Quảng Ninh, trước diễn biến phức tạp của các dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi từ đầu năm đến nay, công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho tổng đàn được các ngành chuyên môn chú trọng, xây dựng kế hoạch triển khai khá sớm. Tuy nhiên, tính đến ngày 13/5, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dịch đàn vật nuôi mới đạt trên 60%. Cụ thể, tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng đạt 60%, tụ huyết trùng trên trâu, bò đạt 51%, cúm gia cầm đạt 45%, tai xanh trên lợn đạt 91%, vắc xin các loại ở lợn đạt 50%, tiêm vắc xin phòng dại đạt 87%... Tính đến cuối tháng 5, tỷ lệ tiêm vắc xin ở một số loại bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh tăng thêm khoảng 10%.

Riêng đối với bệnh viêm da nổi cục là loại bệnh dịch mới, lần đầu xuất hiện trên đàn gia súc lớn của tỉnh. Để ứng phó, UBND tỉnh đã có Chỉ thị 03/CT-UBND, ngày 27/4/2021 về việc tổ chức tiêm khẩn cấp vắc xin phòng bệnh này trên đàn trâu, bò, dê. Mục tiêu đến trước ngày 20/5, tỷ lệ tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục trên gia súc lớn của tỉnh đạt 80%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, 3 địa phương là Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô vẫn chưa có con số báo cáo. Huyện Bình Liêu, nơi xuất hiện bệnh viêm da nổi cục đầu tiên trên toàn tỉnh rồi lây lan trên diện rộng, tuy nhiên tính đến hết ngày 27/5 mới đạt tỷ lệ tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục chưa tới 28%.

Có thể thấy, tổng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh vẫn khá chậm, chưa đạt quá 80% theo quy định và chưa đồng đều. Theo bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), điều này hạn chế mục tiêu tạo ra miễn dịch chủ động, gây khó khăn trong việc kiểm soát, kiềm chế bệnh dịch trên đàn vật nuôi, dẫn đến thiệt hại trên đàn vật nuôi do dịch bệnh lớn. Nguyên nhân của tình trạng trên do một số địa phương thiếu tích cực, chưa chủ động triển khai sớm và quyết liệt công tác tiêm phòng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể UBND tỉnh cấp kinh phí cho các địa phương triển khai tiêm phòng. Theo kế hoạch, trong tháng 1, 2 hoàn thành việc đấu thầu, đảm bảo đưa vắc xin về để cấp phát cho các xã, phường; tháng 3, 4 tổ chức tiêm đồng loạt; tháng 5, 6 tiêm bổ sung.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4 nhiều địa phương mới hoàn thành khâu đấu thầu vật tư, cá biệt có địa phương đến ngày 20/5 chưa có vắc xin tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Trong khi đó tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục là đợt tiêm phòng khẩn cấp dành cho bệnh dịch mới và ngày 20/5 cũng là thời hạn cuối UBND tỉnh quy định tiêm phòng bệnh dịch này. Bên cạnh đó, đối với một số loại vắc xin thuộc diện xã hội hóa, chủ vật nuôi phải chi trả kinh phí thì nhiều năm qua các địa phương luôn thực hiện đạt tỷ lệ thấp, dẫn tới hiệu quả phòng dịch không cao.

Bích Hạnh