Phát huy lợi thế

Quảng Ninh hội tụ đủ các điều kiện về tài nguyên và cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất để phát triển du lịch. Theo báo cáo tại hội nghị, hiện nay, hoạt động du lịch được phát triển ở hầu hết các địa phương trong tỉnh với nhiều sản phẩm, loại hình phong phú, có thể đáp ứng được đa dạng các nhu cầu của các thị trường khách, thường xuyên nhận được đánh giá của khách ở mức độ tuyệt vời là 60%; mức độ tốt là 35%, từng bước là một điểm đến có uy tín của khu vực.

Không gian du lịch Quảng Ninh hiện đang hình thành theo 4 trung tâm trọng điểm gồm: Khu vực Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên tập trung các sản phẩm du lịch tâm linh, văn hóa; Khu vực TP Hạ Long và vùng phụ cận đẩy mạnh du lịch cảnh quan, văn hóa, mua sắm và vui chơi giải trí; Khu vực Vân Đồn - Cô Tô  du lịch tâm linh, biển đảo, vui chơi giải trí; Khu vực Móng Cái du lịch biển, kết hợp biên mậu… Bên cạnh đó, phát triển các không gian du lịch mới ở Hải Hà, Cô Tô, Cẩm Phả, Hoành Bồ, Tiên Yên, Bình Liêu nhằm tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng phục vụ các thị trường mục tiêu.

{keywords}
 

Phát huy được tiềm năng, doanh thu du lịch và số lượng khách đến Quảng Ninh liên tục tăng sau mỗi năm. Ước tính 10 tháng đầu năm 2019, du lịch Quảng Ninh đón được 11,74 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế đạt 4,22 triệu lượt, tăng 4% so với cùng kỳ, tổng thu từ du lịch đạt 23.809 tỷ đồng tăng 22% so với cùng kỳ; thu ngân sách từ du lịch đến hết quý III/2019 đạt 2.480 tỷ đồng tăng 26% so với cùng kỳ.

Đề xuất nhiều giải pháp thu hút du khách

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá, nhận định những tiềm năng, lợi thế, đồng thời nêu rõ những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt của du lịch Quảng Ninh; bàn thảo, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch.

Trong đó tập trung vào các nội dung như: Quảng Ninh cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc mở rộng, đa dạng hóa, làm mới các sản phẩm; từng bước phát triển các sản phẩm có tính đặc thù theo mùa, theo phân khúc khách hàng; xây dựng các chương trình du lịch kết nối các điểm đến trong và ngoài tỉnh và tạo ra nhiều lựa chọn cho khách.

Bên cạnh đó, cần gắn kết các doanh nghiệp du lịch như lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm; khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn… để tạo thành chuỗi sản phẩm đồng bộ; tiếp tục triển khai các biện pháp kích cầu, quảng bá xúc tiến, mở rộng thị trường, đặc biệt trong mùa thấp điểm...

Hiện Quảng Ninh đang tập trung thực hiện mở rộng không gian phát triển, sáp nhập TP Hạ Long với huyện Hoành Bồ, tạo không gian xứng tầm, phát huy tiềm năng, lợi thế đa dạng các loại hình du lịch. Đây là chiến lược mới của tỉnh, tạo ra đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất cả nước, đa dạng độc đáo về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch, có tính kết nối mạnh mẽ giữa du lịch vịnh Hạ Long với cảnh quan kỳ vĩ của Hoành Bồ, hình thành lâm viên. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, du khách bằng việc đẩy mạnh xây dựng thành phố thông minh, đưa mạng 5G vào khai thác sớm hơn các địa phương khác, cung cấp các tiện ích cho du khách.

Để thu hút khách du lịch cả vào mùa thấp điểm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị cần sớm xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Ninh gắn với thương hiệu Hạ Long; tổ chức lễ hội, chương trình du lịch vào mùa thấp điểm, phát triển những sản phẩm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế; kết nối các tuyến, điểm, khu du lịch, sản phẩm mới, hấp dẫn và chất lượng cao.

Ngọc Minh