Những phong trào thi đua này đã được các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị trong tỉnh tích cực thực hiện và đạt được những kết quả bền vững hơn. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền.
Đến năm 2020, tổng chi cho an sinh xã hội trong 5 năm ước đạt 8.981 tỷ đồng, bình quân tăng 14,9%/năm, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011-2015.
Cũng trong năm này, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2; nâng mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh đối với 3 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí). Nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của một bộ phận nhân dân tại địa bàn khó khăn được nâng lên; nhiều hộ dân đã tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo, cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,36% năm 2020.
Từ năm 2020, với quyết tâm “Mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp toàn diện trên các lĩnh vực, nhiều phong trào thi đua phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ tương thân tương ái đã được chính quyền tỉnh Quảng Ninh triển khai tích cực.
Đến nay, 100% xã đặc biệt khó khăn đã có đường ô tô được bê tông hóa đến trung tâm xã; đường giao thông đến các thôn, bản đặc biệt khó khăn cơ bản được cứng hóa; 177/177 xã phường, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% hộ dân tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 97,82% số hộ dân tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, đột phá, đến cuối năm 2022 cơ bản tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 đề ra. Hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; không có huyện nghèo, xã nghèo; có 1/13 địa phương (Hạ Long) không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3/13 địa phương (Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô) không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đến hết năm 2021 đạt 52,5 triệu đồng, tăng 13,88% so với năm 2020.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; không còn huyện nghèo. Đặc biệt, đến tháng 9/2023, Quảng Ninh đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn với tổng số 441 nhà được hỗ trợ, trong đó xây mới 260 nhà và sửa chữa là 181 nhà.
Hay như phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, có được những kết quả này bắt nguồn từ những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, sự đóng góp to lớn của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ tỉnh tới cơ sở; sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, công nhân, lao động và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã hăng hái thi đua phát huy nội lực, lao động sáng tạo, sản xuất, chiến đấu, công tác, học tập, nghiên cứu khoa học đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh, vì hạnh phúc nhân dân.
Trong đó không thể không ghi nhận những điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu. Đó là những con người thật, việc thật, là những minh chứng sống động cho sức sống của các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh.
Nói về nhiệm vụ trong những tháng, năm tiếp theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, phải thường xuyên quan tâm hơn nữa công tác phát hiện, biểu dương, khen thưởng, tuyên truyền nhân rộng về những điển hình.
Đồng thời địa phương sẽ chú trọng hơn nữa việc tạo đột phá trong xây dựng điển hình tiên tiến, nhất là ở các lĩnh vực như y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế xanh; các phong trào thi đua cổ vũ trong lực lượng vũ trang, công nhân lao động, nhân dân các dân tộc, cổ vũ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thi đua để xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh, lành mạnh...