Quảng Ninh được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm về tội phạm mua bán người.

Phòng ngừa tội phạm là trọng yếu

Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2020, tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ, giảm 41% số vụ so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong 2 năm vừa qua, toàn tỉnh không xảy ra các vụ việc liên quan đến mua bán người; công tác giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được các cấp, các ngành quan tâm triển khai hiệu quả.

Nhận thức rõ tình hình và nguy cơ, trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tội phạm mua bán người luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Cùng với đó là sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Tỉnh Quảng Ninh xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, phải được triển khai thường xuyên, lâu dài. Trong đó lấy công tác phòng ngừa tội phạm là trọng yếu; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đề người dân hiểu biết, nâng cao nhận thức; đấu tranh, điều tra, xử lý nghiêm các vụ án; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân; hỗ trợ tốt nhất các nạn nhân theo đúng phương châm, chủ đề “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” năm 2023 là “Mở rộng vòng tay với nạn nhân mua bán người, không để ai bị bỏ lại phía sau”. 

Nhờ đó, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả, trọng tâm là công tác tuyên truyền, phòng ngừa từ xa, từ sớm, từ địa bàn cơ sở, nhất là địa bàn khu vực biên giới.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát

Trước đó, làm việc với Quảng Ninh, Cục phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức Đoàn khảo sát liên ngành đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cũng đề nghị, trong thời gian tới Sở Lao động - TB&XH cùng các Sở, ngành, đoàn thể của tỉnh cần tập trung một số vấn đề quan trọng.

Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc tại Quảng Ninh

Theo đó:

Chi phí để hỗ trợ những người nghi là nạn nhân bị mua bán khi tiếp nhận vào Cơ sở trợ giúp xã hội trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân vẫn thực hiện được theo Luật phòng, chống mua bán người; 

Các Sở, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cần phối hợp trong lồng ghép phòng, chống mua bán người cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

Thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng lao động nước ngoài tại các doanh nghiệp, kiểm tra, giám sát các cơ sở đưa người đi nước ngoài xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh;

Tổ chức rà soát nạn nhân bị mua bán, những trường hợp lao động, di cư hồi hương trở về từ các nước để có thể tiếp cận, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng;

Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành 178 về chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm, sàng lọc phát hiện nạn nhân bị mua bán làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và mua bán người vì mục đích mại dâm.

Thuý Tình và nhóm PV, BTV