Tỉnh Quảng Trị có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề đánh bắt thủy sản khi có 75 km đường bờ biển. Thời gian gần đây, nghề khai thác thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn như: Giá dầu diesel diễn biến bất thường và ở mức cao, giá thủy sản không ổn định, thời tiết diễn biến không thuận lợi cho vươn khơi. Khắc phục những khó khăn này, ngư dân Quảng Trị vẫn đưa tàu vươn khơi bám biển thường xuyên.

Để hỗ trợ khuyến khích ngư dân vươn khơi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết đã đẩy mạnh tập huấn về công tác khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản; cơ cấu lại lượng tàu thuyền theo hướng hiện đại, từng bước cắt giảm và không phát triển khối tàu có chiều dài dưới 12m; tăng cường đào tạo nghề, thuyền trưởng, máy trưởng cho bà con ngư dân nhằm đảm bảo 100% người điều khiển phương tiện có đầu đủ bằng cấp, chứng chỉ theo quy định. 

Bên cạnh đó là việc phát triển mô hình khai thác thủy sản theo tổ đội, tổ hợp tác sản xuất trên biển để hỗ trợ sản xuất; xây dựng mô hình đồng quản lý trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển; khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển khai thác đúng mùa vụ, ngư trường. Hướng dẫn ngư dân đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển như: Thu mua hải sản, cung cấp dầu diesel và nhu yếu phẩm ngay trên biển biển để giảm chi phí nhiêu liệu cho tàu cá.

anh1ss.jpg
Khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển khai thác đúng mùa vụ, ngư trường...

Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND thực hiện Quyết định số 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. 

Kế hoạch nhằm mục tiêu phát triển khai thác thủy sản bền vững trên cơ sở tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển, cơ cấu lại đội tàu, cơ cấu nghề khai thác hợp lý phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản theo từng ngư trường; tăng cường quản lý hoạt động của tàu cá trên biển; đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.

Theo đó, đến năm 2025, duy trì ổn định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; xác định lại hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2024-2029; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được cung cấp bản tin dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả; Thiết lập mô hình gắn khai thác, dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nghề cá ven biển, đảo Cồn cỏ; 100% sản lượng thủy sản khai thác của tàu cá cập cảng được giám sát; 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định… 

Đến năm 2030, sắp xếp cơ cấu đội tàu, nghề khai thác phù hợp với Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của ngành và định hướng phát triển ngành thủy sản và kết cấu hạ tầng ngành thủy sản tỉnh Quảng Trị tích hợp trong quy hoạch của tỉnh giai đoạn năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị khai thác thủy sản bình quân đạt 1,5%/năm, thu nhập trung bình của lao động khai thác thủy sản tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020; Chấm dứt nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi, ảnh hưởng môi trường sinh thái biển; 100% thuyền trưởng tàu cá vùng khơi được tập huấn, cập nhật các quy định trong nước và quốc tế về khai thác thủy sản; 60% lao động khai thác thủy sản được hướng dẫn các kỹ năng, quy trình kỹ thuật khai thác, đảm bảo an toàn trên biển…

Hiện tỉnh Quảng Trị có trên 2.300 tàu cá lớn nhỏ, tổng công suất hơn 140.000 CV. Việc phát huy tiềm năng về tài nguyên biển, đảo và vùng ven biển gắn với bảo vệ hệ sinh thái không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường mà còn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chính vì vậy, việc cơ cấu lại đội tàu, cơ cấu nghề khai thác hợp lý phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản theo từng ngư trường sẽ khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), chung tay cùng cả nước sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng thủy sản. Đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển một cách hài hòa, bền vững giữa kinh tế xã hội và môi trường.

Thuý Tình và nhóm PV, BTV