Chăn nuôi lợn có vai trò quan trọng trong hệ thống nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay người chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác phòng chóng dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Để bảo vệ đàn lợn và tái đàn lợn an toàn, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tập trung triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

{keywords}
Chăn nuôi lợn an toàn sinh học hướng hữu cơ là hướng đi mới của ngành chăn nuôi Quảng Trị. 

Hiện người chăn nuôi đang tập trung thực hiện tái đàn lợn, khôi phục đàn lợn phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, để chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật, thực hiện việc tái đàn an toàn, hiệu quả, biện pháp hữu hiệu nhất trong chăn nuôi lợn là áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Chăn nuôi an toàn sinh học là tổng thể các biện pháp ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh. Người dân cần thực hiện tốt các yêu cầu về chuồng trại; con giống; thức ăn, nước uống; chăm sóc, nuôi dưỡng; vệ sinh thú y; xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, để tái đàn lợn người nông dân cần thực hiện các nguyên tắc sau: chỉ nên thực hiện tái đàn lợn tại các xã, phường, thị trấn không có dịch hoặc đã công bố hết dịch. Khi tái đàn cần thực hiện nuôi thí điểm với số lượng 10% tổng số lợn tối đa có thể nuôi tại cơ sở của mình, sau đó nếu an toàn mới tăng dần quy mô. Khi tái đàn hoặc nuôi mới phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương.

Người dân cần thực hiện tốt “5 không”: không giấu dịch; không mua lợn bệnh, sản phẩm của lợn bệnh; không bán chạy lợn bệnh; không vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt bừa bãi xác lợn bệnh ra môi trường. 

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai cấp giống mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học theo hướng hữu cơ trên nền đệm lót sinh học có liên kết sản xuất (tiêu thụ sản phẩm), đưa ra thị trường sản phẩm an toàn chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Mô hình triển khai tại 7 điểm vùng đồng bằng và 2 điểm vùng miền núi huyện Đakrông và Hướng Hóa.

Tại mỗi điểm vùng đồng bằng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thả nuôi 42 con lợn, và mỗi điểm vùng núi là 30 con lợn. Đây là giống lợn ngoại từ tổ hợp lai 3 máu (Landrace x Yorrshire) x Duroc có năng suất chất lượng cao, được nuôi phổ biến và rộng rãi trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện cho các hộ dân vùng đồng bằng và 70% kinh phí cho các hộ dân vùng miền núi. Quy trình chăn nuôi trong mô hình tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

Các hộ tham gia thực hiện mô hình được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn áp dụng quy trình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học theo hướng hữu cơ từ khâu cải tạo làm mới chuồng trại, làm đệm lót sinh học, phối trộn thức ăn, ủ thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh. Đây cũng sẽ là các điểm làm cơ sở tham quan, học tập nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, giúp các hộ  chăn nuôi làm quen với phương thức chăn nuôi mới, liên kết sản xuất ra sản phẩm an toàn, nâng cao thu nhập.

Trước đây, năm 2019 Chi cục Chăn nuôi và Thú y của tỉnh cũng từng xây dựng và làm chủ đầu tư thực hiện dự án liên kết phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học, thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2019 với tổng kinh phí thực hiện: 570 triệu đồng, trong đó hộ đối ứng: 270 triệu đồng.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã hướng dẫn cho chủ cơ sở nuôi hoàn thiện cơ sở chuồng trại và thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, tổng số lợn thực hiện dự án 250 con phát triển tốt, đạt tỷ lệ nuôi sống 100%. Sau khi kết thúc mô hình, các hộ tham gia chương trình đều chủ động chăn nuôi theo hình thức sinh học, hữu cơ và cải thiện kinh tế gia đình.

Vì vậy, mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học theo hướng hữu cơ trên nền đệm lót sinh học mới triển khai được kỳ vọng sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh động vật, thay đổi tư duy người chăn nuôi và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Thu Hằng