Qua 3 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi Quảng Trị.

Giai đoạn 2024 - 2025, Quảng Trị tập trung cao nhất nguồn lực từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương để lồng ghép thực hiện đồng thời ba Chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng dân tộc thiểu số; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững.

Tỉnh ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất.

Tỉnh Quảng Trị hiện có 21.399 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu ở hai huyện miền núi là Đakrông và Hướng Hóa; trong đó có 10.243 hộ nghèo, 3.325 hộ cận nghèo đang cần được hỗ trợ để cải thiện cuộc sống.

Năm 2024, tỉnh Quảng Trị dành trên 368 tỷ đồng để thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững. Trong đó, hơn 178 tỷ đồng sẽ được phân bổ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mặc dù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Trị đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, đời sống của người dân vùng này vẫn còn nhiều khó khăn.

Năm 2022, tỷ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu tỉnh Quảng Trị là 49,51% (áp dụng chuẩn nghèo mới theo Nghị định số 07/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ), cao hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 10,44%.

anh man hinh 2024 01 04 luc 183204.png
Quảng Trị ưu tiên nguồn lực phát triển cho vùng dân tộc thiểu số khó khăn nhất. 

Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Đakrông cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi đã tác động đến mọi mặt, giúp đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, người dân ở đây phần lớn sản xuất hàng hóa có quy mô nhỏ, manh mún với đơn vị sản xuất chính vẫn là hộ gia đình; chưa xây dựng được các chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả; chất lượng môi trường có xu hướng giảm đi kèm với quá trình biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển bền vững.

Để thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương cần thêm nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt tạo điều kiện cho đồng bào vay vốn để phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở. Huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, chú trọng phát triển văn hóa - xã hội. Đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Khánh Vy