Sản phẩm gắn liền ký ức

Thành lập từ 1965, Công ty Cổ phần Điện cơ Thống Nhất có nhiệm vụ chuyên sản xuất các loại quạt điện phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Đầu những năm 80 thế kỷ trước, DN đã cho ra mắt loại quạt trần 1,4m khởi động bằng tụ điện, đánh dấu sự có mặt của sản phẩm quạt Điện cơ Thống Nhất trên thị trường. DN này cũng xuất lô hàng đầu tiên sang Cuba, chỉ vài năm hàng vạn sản phẩm đã được xuất đi.

Sau nhiều biến động, Điện cơ Thống Nhất nay vẫn 1 trong những DN sản xuất quạt điện lớn nhất cả nước. Đây cũng là doanh nghiệp sở hữu độc quyền sản phẩm quạt 3 cánh và tên gọi Vinawind tại Việt Nam.Quạt cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, thậm chí một số mẫu có thể cạnh tranh với quạt Thái Lan, Nhật Bản mẫu mã và chất lượng tương đương, nhưng giá có khi chỉ bằng một nửa.

{keywords}
Quạt "Con cóc", thương hiệu một thời của Điện cơ Thống Nhất.

Trong 3 quý đầu 2019, CTCP Điện cơ Thống Nhất lần đầu tiên ghi nhận doanh thu đạt gần ngàn tỷ, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Các năm trước đó, doanh nghiệp này đều đặn thu về hàng trăm tỷ đồng doanh thu, hàng chục tỷ lợi nhuận mỗi năm. Hơn 50 năm qua, thương hiệu Điện cơ Thống Nhất vẫn sống tốt.

DN có thể phát triển mạnh hơn nữa khi gần đây thấp thoáng bóng dáng một doanh nhân nổi tiếng: ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển). Hiện Bảo hiểm Hàng không nắm giữ hơn 19% cổ phần Điện cơ Thống Nhất, Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội nắm gần 21%. Hai doanh nghiệp này đều thuộc hệ sinh thái của Bầu Hiển, chưa kể số cổ phần UBND Hà Nội mới bán đấu giá có nhiều cá nhân chưa được công bố.

{keywords}
Mẫu mã quạt Điện cơ giờ đa dạng hơn.

Thành lập năm 1958 tại Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) cũng là một trong số ít thương hiệu có tuổi đời 50-60 năm.

Sau 62 năm hoạt động, Rạng Đông vẫn là nhà sản xuất thiết bị chiếu sáng lớn nhất tại Việt Nam, có công suất hơn 150 triệu sản phẩm bóng đèn, hàng chục triệu sản phẩm phích nước và thiết bị chiếu sáng,... mỗi năm. Sản phẩm được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia.

Trong năm 2018, RAL ghi nhận doanh thu hơn 3,6 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 200 tỷ đồng. 9 tháng năm 2019, doanh thu đạt hơn 2,7 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 160 tỷ đồng. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 13.900 đồng, thuộc nhóm cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, nhận xét, RAL là một cổ phiếu thu hút sự quan tâm của giới đầu tư bởi giá trị nội tại của doanh nghiệp. Hầu như trong mỗi gia đình Việt đều có chiếc phích nước Rạng Đông bởi sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, đặc biệt thu hút khách ở các vùng quê.

Miliket là một trong 13 nhà máy đầu tiên được xây dựng để phát triển ngành công nghiệp nhẹ tại Việt Nam, tiền thân là hai xí nghiệp: Chế biến lương thực thực phẩm Colusa (1972) và Lương thực thực phẩm Miliket (1995). 'Huyền thoại' mì hai tôm Miliket đã trở thành ký ức đẹp của nhiều thế hệ người Việt Nam trong 1-2 thập kỷ cuối thế kỷ 20.

Miliket nổi tiếng đến mức hình ảnh hai con tôm chụm đầu vào nhau in ngoài bao bì đã trở thành biểu tượng, thành thói quen và thành luôn cái tên chung cho các loại mì gói được sản xuất về sau này.  

Trong 10 năm qua, mức tăng trưởng bình quân doanh thu của Miliket luôn là hai con số. Lợi nhuận của Miliket, so với năm 2008, đã tăng gấp 3. Mỳ ăn liền thương hiệu Miliket chiếm khoảng 4% trên thị trường.

{keywords}
Miliket là thương hiệu nằm sâu trong ký ức của nhiều người.

Bên cạnh sản phẩm mỳ ăn liền truyền thống và các loại bún miến phở cháo ăn liền, Miliket cũng đã lấn sân sang sản xuất các mặt hàng gia vị như : Nước tương, tương ớt, bột canh, nước chấm thực vật,... Các sản phẩm của DN đã xuất hiện tại Hàn Quốc, Trung Quốc.

Colusa - Miliket vẫn giữ gần như nguyên vẹn hình ảnh bao bì để khai thác thế mạnh ký ức. Đó vẫn là giấy kraft, nhưng có tráng thêm nilon bên trong, vẫn hình ảnh 2 con tôm chụm đầu vào nhau. Đây cũng là doanh nghiệp giữ thị phần bằng chiến lược giá thấp, giữ biên lợi nhuận gần như thấp nhất trong ngành, tập trung phát triển thị trường nông thôn.

Một thương hiệu khác cũng được giữ gìn và phát triển cho tới ngày nay là Xe đạp Thống Nhất của CTCP Thống Nhất. Một thời gian dài, những chiếc xe đạp Thống Nhất được các gia đình Việt xem như báu vật, xe được cấp biển số, giấy chứng nhận không khác gì xe máy, ô tô ngày nay.

Trong 57 năm xây dựng và phát triển với thương hiệu vượt thời gian, Thống Nhất đã đưa ra thị trường hàng triệu triệu sản phẩm phục vụ cho mọi đối tượng khách hàng, ở mọi lứa tuổi. Thương hiệu xe đạp Thống Nhất đã trở thành nếp nghĩ, thói quen của nhiều người tiêu dùng.

{keywords}
Xe đạp Thống Nhất, nổi danh một thời.

Đổi mới để sinh tồn

Thời kỳ trước đổi mới, Rạng Đông, Mỳ Miliket, Diêm Thống Nhất, Giầy Thượng Đình, Cao su Sao Vàng,... đều là những thương hiệu lớn và có thời kỳ hoàng kim nhất. Mỗi doanh nghiệp đảm nhiệm một vài trò sản xuất và gần như độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, sau đó, hầu hết doanh nghiệp đều trải qua những giai đoạn khó khăn kéo dài.

Với Điện cơ Thống Nhất, sóng gió nhất chính là những năm cuối thế kỷ trước với làn sóng quạt điện giá rẻ của Trung Quốc tràn vào. Điện cơ Thống Nhất rơi vào cảnh thua lỗ, lượng tồn kho lớn. Công ty đã phải nhanh chóng đổi mới, đầu tư thiết bị hiện đại để thay đổi mẫu mã, giảm giá thành sản phẩm, đồng thời xây dựng hệ thống phân phối để giành lại thị phần. Hàng tồn kho giảm, doanh nghiệp từng bước hồi phục và có lãi.

Năm 2008, khủng hoảng kinh tế thế giới khiến giá cả đầu vào tại Việt Nam tăng vọt, doanh nghiệp “thời bao cấp” một lần nữa phải rà soát lại toàn bộ hoạt động, cắt giảm chi phí và kích cầu để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước khi trở thành DN hấp dẫn hàng đầu trên TTCK như gần đây, Rạng Đông cũng trải qua nhiều thời kỳ khó khăn.

Cũng như nhiều thương hiệu khác, khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế những năm 1986-1989, làn sóng hàng ngoại ồ ạt tràn vào khiến các doanh nghiệp nổi tiếng một thời chật vật để có thể trụ vững. Hàng Tàu giá rẻ đổ vào làm RAL mất thị phần và thua lỗ, hoạt động cầm chừng. Hàng ngàn công nhân phải nghỉ việc nhiều tháng.

Có những năm, doanh nghiệp ghi nhận vài tỷ đồng doanh thu và thua lỗ. Tuy nhiên, nhờ những bước đi mạnh bạo, vay vốn để đầu tư cải tiến dây chuyển sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, vài năm sau, RAL đã ghi nhận lợi nhuận và có lãi liên tục gần 30 năm kể từ đó cho đến nay.

Gần đây, cuối tháng 8/2019, Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trải qua một vụ hỏa hoạn lớn tại trụ sở - nơi doanh nghiệp thành lập (Hạ Đình, Hà Nội). Thiệt hại được ước tính khoảng 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà máy chính của RAL đã chuyển xuống Bắc Ninh từ lâu nên hoạt động sản xuất ít bị ảnh hưởng, giá cổ phiếu nhờ đó quay đầu tăng trở lại.

Xe đạp Thống Nhất của CTCP Thống Nhất cũng đã có nhiều thay đổi để thích nghi với thời đại mới. Doanh nghiệp này đã mở rộng kinh doanh, nhập bán xe đạp nhập khẩu, đồ nội thất và cả hợp tác kinh doanh bất động sản nhờ sở hữu quỹ đất vàng lớn ngay tại trung tâm Hà Nội.

{keywords}
Thương hiệu diêm Thống Nhất bị khai tử, thay vào đó là bật lửa.

Một thương hiệu “Thống Nhất” khác cũng đang gặp khó và phải thay đổi là Diêm Thống Nhất. Thương hiệu 63 năm tuổi đời này sắp bị khai tử sau khi ĐHCĐ bất thường của công ty đã thông qua nội dung quan trọng là: dừng sản xuất diêm kể từ năm 2020.

Diêm Thống Nhất ra đời từ năm 1956 với nhận diện quen thuộc là những bao diêm có hình chim bồ câu trắng trên nền trời xanh.  Cách đây một thập kỷ, mức tiêu thụ diêm lên tới 180 triệu bao mỗi năm thì nay còn chưa tới 100 triệu bao, dự báo sẽ còn giảm mạnh trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Ngoài khó khăn trong việc tiêu thụ, việc sản xuất diêm que còn bị ảnh hưởng từ nguyên liệu sản xuất. Việc thu mua gỗ để sản xuất diêm vẫn rất khó khăn và nguồn cung ngày càng hạn chế và giá cao.

Sở dĩ tiêu thụ diêm sụt giảm là bởi người dùng đã chuyển sang dùng bật lửa tiện lợi hơn. Do đó, Diêm Thống Nhất đã mở sang sản xuất bật lửa, sản xuất bao bì, in ấn và kinh doanh thương mại... nhưng vẫn gặp khó khăn.

Với việc xóa sổ hoạt động sản xuất diêm, Diêm Thống Nhất (DTN) quyết định sẽ chỉ tập trung vào sản phẩm bật lửa. Công ty đã dần xây dựng được các nhà phân phối nhưng có lẽ cần thời gian để số lượng tiêu thụ được như kỳ vọng.

Sau bao thăng trầm hàng loạt các thương hiệu vang bóng một thời giờ vẫn tồn tại. Nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường, dù có nhiều thay đổi. Đây là những thương hiệu cho đến nay vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người dân Việt.

H. Tú