Tụy là một tạng thuộc hệ tiêu hóa, nằm sau phúc mạc, sát thành bụng sau, phía trước tụy được dạ dày che phủ. 

Ung thư tụy chỉ đứng thứ 14 về tỉ lệ mắc (458.918 ca mắc/năm), tuy nhiên lại đứng hàng thứ 7 về tỉ lệ tử vong do ung thư (432.242 ca tử vong/năm). Điều này cho thấy tiên lượng của ung thư tụy rất xấu.

1. Vì sao ung thư tụy có tiên lượng xấu so với các loại ung thư tiêu hóa khác?

  • Vị trí của tụy đặc biệt
  • Triệu chứng lâm sàng nghèo nàn, khó phát hiện sớm
  • Bệnh dễ chẩn đoán nhầm
  • Tất cả các yếu tố trên
Chính xác

Nguyên nhân chủ yếu khiến ung thư tụy có tiên lượng xấu so với ung thư tiêu hóa khác là bởi tụy có vị trí đặc biệt ở rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn lại dễ nhầm với bệnh khác nên người bệnh thường được chẩn ở giai đoạn muộn. Tại Mỹ, chỉ 10% bệnh nhân ung thư tụy được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, trong khi đó 53% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn IV khi đã có di căn xa.

2. Ung thư tụy có do nguyên nhân di truyền, yếu tố gia đình hay không?

  • Không
Chính xác

Theo bác sĩ Lê Công Định, Khoa Nội II, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, hiện nguyên nhân cụ thể của ung thư tụy vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra di truyền là yếu tố nguy cơ có liên quan mật thiết tới cơ chế bệnh sinh của ung thư tụy.

Khoảng 10-15% số ca ung thư tụy có liên quan tới yếu tố di truyền. Sự liên quan của yếu tố di truyền với ung thư tụy có thể được chia thành 2 nhóm:

- Người mắc hội chứng di truyền liên quan đến tăng nguy cơ ung thư tụy: ví dụ người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng do di truyền (có đột biến gene BRCA1, BRCA2) có nguy cơ bị ung thư tụy theo thời gian là 3-5% hoăc người bị ung thư đại tràng không polyp có tính chất gia đình - hội chứng Lynch II (do đột biến gene sửa chữa ghép cặp sai-dMMR) có nguy cơ bị ung thư tụy theo thời gian là 4%, người bị viêm tụy do di truyền có nguy cơ bị ung thư tụy là 24-40% do có đột biến gene PRSS1, SPINK1.

- Ung thư tụy có tính chất gia đình: được xác định khi trong gia đình cặp có bố/mẹ -con hoặc cặp anh/chị-em cùng bị ung thư tụy. Đột biến mầm của gene BRCA1, BRCA2 được phát hiện trong khoảng 13-19% bệnh nhân ung thư tụy có tính chất gia đình

3. Những bệnh mạn tính nào tăng nguy cơ ung thư tụy?

  • Đái tháo đường
  • Viêm tụy mạn
  • Xơ nang tụy
  • Tim mạch
Chính xác

Theo bác sĩ Lê Công Định, Khoa Nội II, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, một số bệnh lý mạn tính làm tăng nguy cơ bị ung thư tụy gồm:

- Đái tháo đường: rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra bệnh đái tháo đường và ung thư tụy có quan hệ mật thiết với nhau, theo đó đái tháo đường vừa là yếu tố nguy cơ vừa là hậu quả của ung thư tụy

- Viêm tụy mạn

- Bệnh xơ nang tụy

Ngoài ra, các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tụy khác như: Hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực và nghiện rượu. Khoảng 25% số ca mắc bệnh liên quan đến hút thuốc. 

4. Những người mắc ung thư tụy thường gặp triệu chứng nào nhất?

  • Đau bụng
  • Vàng da, nước tiểu sẫm màu, ngứa
  • Chán ăn, rối loạn tiêu hóa
Chính xác

Đau bụng là một trong những dấu hiệu thường gặp nhất của người mắc ung thư tụy.

Đau bụng thường bắt đầu xuất hiện trước khi phát hiện bệnh khoảng 1 - 2 tháng và tăng dần theo tiến triển của bệnh nhưng ban đầu thường chỉ đau thoáng qua vùng thượng vị nên dễ nhầm với viêm dạ dày.

Đau thường khởi phát ở vùng thượng vị, khi bệnh tiến triển thường lan sang 2 bên và/hoặc xuyên ra sau lưng, cơn đau có thể không liên tục nhưng thường nặng hơn sau khi ăn hoặc khi nằm ngửa khiến người bệnh phải nằm tư thế cuộn tròn cho đỡ đau; đau nhiều ra sau lưng thường gặp khi khối u nằm ở vùng thân hoặc đuôi tụy hơn là vùng đầu tụy.

Thông thường đau bụng trong ung thư tụy xuất hiện từ từ, tăng dần theo kiểu “vết dầu loang” theo tiến triển của bệnh, song cũng có trường hợp người bệnh đột ngột đau một cách dữ dội do u làm tắc ống tụy gây viêm tụy cấp.

5. Ngoài đau bụng, các dấu hiệu khác cần cảnh giác với ung thư tụy là gì?

  • Vàng da, nước tiểu sẫm màu, ngứa
  • Đi ngoài phân sống
  • Suy nhược, sụt cân, rối loạn tiêu hóa, nôn, chán ăn
  • Tất cả các đáp án trên
Chính xác

Vàng da, nước tiểu sẫm màu là biểu hiện của hội chứng tắc mật.

Vàng da do ung thư tụy là vàng da liên tục, tăng dần do u gây tắc ống mật chính làm dịch mật từ gan không xuống được tá tràng, hậu quả là mật vào trong máu gây vàng da và nước tiểu sẫm màu. Vàng da thường gặp và xuất hiện sớm với những khối u vùng đầu tụy.

Đi ngoài phân sống là hậu quả của việc u gây cản trở men tụy xuống ruột non tiêu hóa thức ăn. Người bệnh ung thư tụy bị suy kiệt rất nhanh, do vậy cần bổ sung men tụy kịp thời.

Suy nhược, sụt cân, chán ăn, nôn, tiêu chảy cũng là những triệu chứng có thể gặp ở người mắc ung thư tụy.

6. Chỉ xét nghiệm máu có đủ để chẩn đoán ung thư tụy?

  • Không
Chính xác

Qua thăm khám phát hiện các dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm kiểm tra: xét nghiệm máu, chất chỉ điểm khối u, siêu âm,…

Trong các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư tụy, chụp cắt lớp vi tính có vai trò quan trọng nhất, bởi qua đó bác sĩ không những phát hiện khối u tụy mà còn đánh giá mức độ lan rộng khối u, tình trạng di căn hạch,… qua đó giúp đánh giá khả năng phẫu thuật triệt căn cũng như khả năng can thiệp để giải quyết các biến chứng do u gây ra: tắc mật (đặt stent đường mật, dẫn lưu đường mật qua da), đau…

7. Ung thư tụy thường xảy ra ở độ tuổi nào?

  • Dưới 40 tuổi
  • Dưới 50 tuổi
  • Từ 50 trở lên
Chính xác

Theo bác sĩ Bệnh viện K, ung thư tuyến tụy hiếm khi xảy ra trước tuổi 40, và hơn một nửa số ca ung thư biểu mô tuyến tụy xảy ra ở những người trên 70. 

 BSCKII Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Ung bướu 1, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết ung thư tuyến tụy thường xuất hiện ở độ tuổi 50 - 80. Gần 50% người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy ở độ tuổi 75 trở lên. Nam giới có nguy cơ phát triển ung thư tuyến tụy cao hơn phụ nữ.