Thay vì ủng hộ thoả thuận Brexit của ông Johnson trong một cuộc bỏ phiếu chính thức, các nghị sĩ lại đã bỏ phiếu thông qua một sửa đổi được đề xuất bởi một nhóm nghị sĩ liên đảng dẫn đầu bởi nghị sĩ Oliver Letwin. Sửa đổi này đã được thông qua với số phiếu 322 thuận, 306 phiếu chống, kêu gọi Quốc hội “hoãn lại việc ủng hộ” kế hoạch của ông Johnson cho đến khi tất cả các điều luật cần thiết cho việc thực thi thoả thuận được Quốc hội thông qua.

Điều này có nghĩa là Thủ tướng Anh giờ sẽ có trách nhiệm pháp lý phải yêu cầu hoãn lại Brexit một lần nữa, theo quy định của đạo luật Benn, nếu ông không thể thông qua kế hoạch của mình trước 11h đêm ngày 19/10 theo giờ địa phương. Đạo luận Been, được Quốc hội Anh thông qua hôm 9/10, yêu cầu Thủ tướng phải thương lượng để được gia hạn Brexit trong một số trường hợp đặc biệt, với hạn chót rút lui mới là 31/1/2020.

{keywords}
Trang Guardian nhận định ông Johnson đã phải nhận một 'trận thua bẽ bàng' sau khi sửa đổi Letwin được Quốc hội thông qua

Ông Letwin cho biết, mục đích của sửa đổi do ông đề xuất là để “giữ vững chính sách đảm bảo trong luật Benn, phòng chống việc chúng ta tự động rút lui nếu không có thoả thuận trước ngày 31/10”.

Chính phủ Anh đã liên tục khẳng định sẽ tuân thủ với các điều khoản của đạo luật Benn, trong đó buộc Thủ tướng Johnson phải viết thư đến EU và yêu cầu một lần gia hạn, nữa nếu ông không nhận được sự ủng hộ của Quốc hội trước hạn chót 31/10. Tuy nhiên, ông Johnson cũng đã khẳng định rằng ông sẽ không trì hoãn Brexit thêm nữa.

Sau khi sửa đổi Letwin được thông qua, ông Johnson đã gợi ý rằng ông có thể sẽ không tuân thủ đạo luật Benn, đạo luật ràng buộc ông phải trì hoãn Brexit.

“Tôi sẽ không thương lượng một lần gia hạn nữa với EU, và luật pháp cũng không bắt tôi phải làm vậy”, ông nói sau khi vấp phải bước lùi lớn trong mục tiêu hoàn thành Brexit. “Trì hoãn thêm nữa sẽ có hại cho đất nước này”.

Anh Thư