- Ngay khi có kết quả bầu cử Đại biểu Quốc Hội (ĐBQH), ông Hoàng Hữu Phước - Tổng Giám đốc Công ty Doanh thương Mỹ Á - người tự ứng cử duy nhất tại TPHCM trúng cử vào QH khóa VIII, đã có cuộc trò chuyện với VietNamNet.
"Chat" với người ba lần tự ứng cử, hai lần trúng
4 người tự ứng cử trúng cử Quốc hội
Không phải là "ông bưu điện"
- Chúc mừng ông đã trúng cử ĐBQH! Xin hỏi, ứng cử ĐBQH là do ông tự tin về bản thân hay do không khí dân chủ trong QH đã lôi cuốn ông?
Tôi quan tâm tới hoạt động nghị trường từ lâu, và đã từng có ý nghĩ rằng sau này mình sẽ ứng cử QH. Phải nói rằng QH đã thực sự năng động trong những năm gần đây, trong một thời gian ngắn mà đã bổ sung, thông qua nhiều bộ luật, chứng tỏ sự nỗ lực cố gắng của các ĐBQH là rất lớn.
Sinh hoạt nghị trường cũng có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, ngay cả quan chức nước ngoài cũng phải thừa nhận. Đơn cử, ngày xưa QH họp, báo đăng, nếu thấy gì quan trọng người dân mới đọc; nhưng nay họ quan tâm tới các phiên chất vấn có trực tiếp truyền hình. Như vậy người dân từ quan tâm có tính thụ động, nay chủ động hơn, hào hứng hơn. Tôi đặc biệt quan tâm tới việc này và mong muốn trở thành thành viên trong tập thể tích cực và năng động đó. Đó là chưa kể những khóa gần đây, những ứng viên tự ứng cử ĐBQH đã có nhiều cơ hội hơn để trúng cử, tham gia nghị trường...
Một lý do khác: QH đang cần trẻ hóa, ở tuổi tôi cũng không còn trẻ, nhưng nếu mình chỉ quan tâm, theo dõi từ bên ngoài, thỉnh thoảng viết lách, đóng góp... thì sẽ không hiệu quả, chi bằng tham gia trực tiếp. Nếu như tuổi trẻ không còn, sức trẻ không còn nhưng mình có một cái đó là tính trẻ. Với cái tính trẻ đó tham gia vào môi trường QH, tôi nghĩ mình sẽ có những đóng góp trực tiếp trên nghị trường, trong thảo luận...
Ông Hoàng Hữu Phước. Ảnh: Thái Thiện |
- Theo ông, để làm tốt nhiệm vụ của mình, ĐBQH cần những phẩm chất nào để thể hiện, phát huy?
Mọi người thường nói ĐBQH phải gần dân, lắng nghe ý kiến của dân, tiếp xúc với người dân. Tôi thấy việc này là đương nhiên, như chuyện ăn, hơi thở của một con người vậy. Là người đại diện cho dân, thì những tiêu chí kia là bắt buộc của mỗi đại biểu rồi...
Nhưng theo tôi tố chất cần phải có (có vẻ hơi sáo), nhưng lúc nào cũng đúng là "biết lo trước cái lo của dân", chứ không đơn thuần là lắng nghe rồi truyền đạt lại, cách này giống như công việc của "ông bưu điện" nhiều hơn... Ý tôi là ĐBQH phải có cái nhìn xa hơn, lo trước cái lo của dân. Những nơi nào đất nước cần, đó là những nơi nghèo, những tỉnh nghèo; vậy cần anh là xây dựng những kế sách để người dân đỡ vất vả hơn, tốt hơn. Đó mới là cái tầm, đúng nghĩa của một ĐBQH!
Tôi lấy một ví dụ việc cấm xe ba gác ở TP.HCM, lẽ ra nhiều năm trước, những người phụ trách ngành giao thông phải nghĩ rằng loại xe này sẽ bị đào thải, từ đó phải đề đạt được với UBND thành phố. Nếu dự báo trước được việc này thì mới lo được kinh phí, giải quyết tâm lý, việc làm cho những người lái xe ba gác đổi nghề... chứ không khó khăn chắp vá như hiện nay.
- Nhiệm kỳ tới QH sẽ sửa rất nhiều luật, ông nghĩ mình sẽ đóng góp vào bộ luật nào?
Tôi đã nhiều năm làm Giám đốc quản lý nhân sự cho tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam, sau đó là chủ doanh nghiệp (DN) Việt Nam, tôi hiểu nhiều về Luật lao động; do vậy có thể góp ý trực tiếp để chỉnh sửa bộ luật này. Ngoài ra, một số luật khác như Luật đất đai, Luật Biển, Luật phòng chống tham nhũng... cũng cần được góp ý, chỉnh sửa để ngày một hoàn thiện hơn. Ngoài ra tôi cũng có thể đóng góp nhiều về các vấn đề chính sách, như giáo dục, nguồn nhân lực...
Doanh nhân và nghị trường
- Là đại biểu tự ứng cử, đại diện cho tiếng nói của giới doanh nhân, ông sẽ đóng góp gì vào chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động như hiện nay?
Ở nhiều quốc gia, DN nhỏ và vừa rất được chú trọng phát triển. Ở Việt Nam quá trình này cũng được thúc đẩy, tuy nhiên "cơn khát" vốn ở khối này chưa bao giờ có điểm dừng. Ở Việt Nam, các nguồn vốn chưa bao giờ giải được cơn khát đó, đó là chưa kể phải ưu tiên vốn cho DN nhà nước (sự ưu tiên bắt buộc). Cho nên trước khi giải cơn khát cho các DN có vốn tư nhân, thì DN nhà nước phải rõ ràng về cơ chế giám sát, cấp vốn phải thay đổi, có như vậy thì việc đầu tư của nhà nước mới không quá tràn lan. Căn cơ là phải quản lý tốt đầu tư công từ những DN đang được hưởng từ "bầu sữa" ngân sách của Nhà nước, thực hiện tiết kiệm, kiểm soát chi tiêu công. Có thể những năm đầu, số tiền không được bao nhiêu, nhưng cần lấy số tiền này dành cho một số DN vừa và nhỏ, có thành tích kinh doanh nổi trội, đột phá... dần dần số vốn đầu tư có thể nâng lên theo từng năm. Nếu làm được điều này sẽ kích thích các DN tạo sự đột phá, với hy vọng vào khóa tài chính sắp tới, DN mình sẽ là đơn vị được vay vốn đầu tư...
- Trúng cử ĐBQH lần này có nhiều đại biểu là doanh nhân, việc càng ngày càng nhiều doanh nhân tham gia nghị trường, theo ông là tốt hay xấu?
Việc ngày càng có nhiều doanh nhân tham gia nghị trường là một điều tích cực, bởi họ là người sống trong môi trường kinh doanh thực sự, nên hơn ai hết họ có thể trực tiếp đóng góp các ý kiến có lợi cho phát triển kinh doanh theo cụm ngành hoặc nói chung. Tất nhiên cùng với các ý kiến đó là những bức xúc hay kiến nghị đối với những gì còn là rào cản cho sự phát triển...
Có thể nói, sự tham gia
nghị trường của bất kỳ cá nhân thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào cũng cùng
nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, chẳng hạn như kế sách phát triển Tam Nông - tự
thân đã bao gồm những nhà khoa học, những công chức quản lý, và giới doanh nhân,
những người cụ thể hóa và thương mại hóa thành quả canh tác, sản xuất của nhà
nông.
Ngoài ra, sự có mặt nhiều doanh nhân tham gia nghị trường, là điểm nhấn quan trọng và rõ ràng nhất không chỉ về tính tự do, dân chủ của nền chính trị mà còn cho thấy sự thành công của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
- Có dư luận cho rằng nhiều doanh nghiệp, doanh nhân muốn tham gia vào nghị trường là để có điều kiện lobby chính sách, có lợi cho ngành nghề, hoặc doanh nghiệp mình. Ông nghĩ sao về điều này?
Dư luận luôn có lý khi có
nhận định như vậy; vấn đề là việc có lý ấy có trên bình diện rộng lớn và mang
tính “công thức” tất yếu hay chỉ là một thiểu số không thể không có?
Đó là chưa kể việc lobby không có nghĩa sẽ dẫn đến kết quả “đồng thuận” cao cho một chính sách có lợi cục bộ. Tập thể đại biểu QH như đã thể hiện ở khóa XII là một tập thể năng động, trí tuệ, có tinh thần trách nhiệm cao trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Tôi tin kế thừa truyền thống này, QH khóa XIII sẽ có chất lượng cao hơn, chuyên nghiệp hơn trong cả lập pháp và giám sát, tích cực lắng nghe ý kiến của cử tri và thực hiện lời hứa dưới sự giám sát chặt chẽ của cử tri, nơi không có chỗ cho sự tồn tại bất kỳ của việc lobby vì lợi ích cục bộ cho ngành nghề hay cho riêng một DN nào.
Đưa "tính trẻ" vào nghị trường QH
- Trong chương trình hành động của ông có nói tới việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tiếp xúc với cử tri, nay khi đã là là ĐBQH, ông sẽ làm việc này như thế nào?
Việc tiếp xúc trực tiếp với cử tri thì tất cả ứng viên ĐBQH đều đã làm, tôi cũng đã làm việc này. Do vậy tiếp xúc trực tiếp là bắt buộc phải làm và làm nhiều hơn. Chúng tôi lắng nghe bức xúc của người dân, tuy nhiên sau các buổi gặp trực tiếp, không phải người dân đã hết bức xúc, hay có những quan tâm mới, lúc đó mình cũng không trở lại nơi đấy nữa. Để liên lạc với cử tri, ngoài số điện thoại công khai, mở 24/24 là việc ứng dụng công nghệ thông tin. Có thể những cử tri lớn tuổi không rành công nghệ, nhưng những cử tri trẻ hay con em của những cử tri lớn tuổi đều có thể dùng Internet để gửi những bức xúc qua mail, hoặc chat... Tuy nhiên đây không phải là sự lựa chọn chính, sự gần gũi với người dân, lắng nghe họ mới làm người ĐBQH phát huy tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Trong thời gian tranh cử tôi cũng đã lập ra blog, đưa chương trình hành động, các bài viết của mình lên và nhận được nhiều phản hồi tốt.
Khi chính thức trở thành ĐBQH, có thể tôi sẽ kiến nghị lập cổng tiếp nhận thông tin (có thể được xây dựng trên nền trang wed của Đoàn ĐBQH thành phố) để tiếp nhận, trả lời những thông tin và cử tri quan tâm tới hoạt động của đoàn ĐBQH thành phố, những câu hỏi của cử tri, nếu trong thẩm quyền có thể được ĐBQH giải đáp một cách nhanh nhất...
- Trong nhiệm kỳ QH tới, cử tri sẽ thấy ĐBQH Hoàng Hữu Phước với tính cách như thế nào: là người dám nói, quyết liệt trong các vấn đề hay chỉ là nhẹ nhàng, giơ tay biểu quyết?
Như trên đã nói, tôi nghĩ mình sẽ đưa tính trẻ vào nghị trường QH. Tính trẻ ở đây không phải là lăng xăng, mà là sự năng động, tích cực, chấp nhận thách thức. Tuổi trẻ cũng có năm bảy đường, có tuổi trẻ cơ học, nhưng cũng có những người trẻ mà đã lớn về tri thức, kinh nghiệm, va chạm cuộc sống, trong khi số tuổi đời còn lại là rất nhiều.
Về hoạt động nghị trường, tôi sẽ chú trọng công tác giám sát, có giám sát tốt, tiếp xúc nhiều hơn với cử tri thì mới có nhiều thông tin để chất vấn trong QH. Ngoài chất vấn, còn một điều quan trọng không kém là phải có những ý kiến mang tính phát hiện để xây dựng kinh tế, ích nước lợi dân. Tôi tin mình sẽ không phụ lòng cử tri, phí bỏ 4 năm ở QH.
Thái Thiện