Sáng 4/12, tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 2.

Mang áo in bản đồ Thủ Thiêm vào hội trường

Một chi tiết khá bất ngờ tại buổi tiếp xúc, khi một cử tri phát biểu về ranh quy hoạch Thủ Thiêm nhưng không có bản đồ mang theo để chứng minh. Lập tức hơn chục người dân đồng loạt đứng dậy, cởi áo khoác ra, bên trong là áo thun có in hình bản đồ Thủ Thiêm trước ngực, sẵn sàng làm 'bản đồ sống' để chứng minh ranh quy hoạch.

{keywords}
Người dân Thủ Thiêm mang áo có in hình bản đồ Thủ Thiêm vào hội trường tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thanh Tùng

Trong 24 ý kiến cử tri phát biểu tại hội trường, đa số bức xúc về chuyện bồi thường, giải tỏa tại Khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm.

Theo cử tri Trần Thị Mỹ, cố Thủ tướng Võ Văn Việt ký quyết định 367 phê duyệt quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm thì đó là linh hồn, nền tảng để thực hiện xây dựng, phát triển Thủ Thiêm.

Căn cứ vào quyết định 367, khu tái định cư nằm sát và liền kề khu ĐTM Thủ Thiêm, nhưng khi thực hiện TP đã làm 'biến mất' khu tái định cư bằng các văn bản pháp lý trái quy định.

“Dù bản đồ mất hay không mất thì 160 ha tái định cư của người dân vẫn còn, phải trả lại nguyên trạng đất tái định cư theo phê duyệt của Thủ tướng cho người dân”, bà Mỹ yêu cầu.

{keywords}
Cử tri Trần Thị Mỹ cho rằng, quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ là nền tảng để xây dựng khu ĐTM Thủ Thiêm. Ảnh: Thành Tùng

Ngoài ra, theo bà Mỹ khi quy hoạch được phê duyệt, chính quyền phải tiến hành cắm mốc, phân lộ giới minh bạch. Nếu thực hiện đúng như vậy sẽ không có chuyện khiếu nại ranh quy hoạch, khiếu nại các quyền lợi của người dân ròng rã gần 20 năm.

Nhiều cử tri khác có ý kiến yêu cầu TP giải quyết ranh quy hoạch cho người dân 5 khu phố thuộc 3 phường. Theo người dân, không chỉ 4,3ha mà 5 khu phố 3 phường cũng nằm ngoài ranh với các chứng lý rõ ràng mà họ thu thập được.

“Ranh quy hoạch không minh bạch, tái định cư thì 'biến mất' khiến người dân sống khốn khổ, theo kiện đến kiệt quệ thân xác, khánh kiệt tài sản”, một cử tri bức xúc.

Cử tri cũng yêu cầu đưa vấn đề Thủ Thiêm ra Quốc hội và đặt câu hỏi vì sao Đoàn đại biểu Quốc hội TP không quan tâm đến vấn đề bà con yêu cầu (?)

{keywords}
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ban Dân nguyện của Quốc hội sẽ lập đoàn giám sát Thủ Thiêm. Ảnh: Thanh Tùng

Ban Dân nguyện Quốc hội sẽ lập đoàn giám sát Thủ Thiêm

Giải trình với bà con Thủ Thiêm, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy cho biết, trong các lần họp Quốc hội, đoàn đại biểu TP.HCM đều kiến nghị đưa vấn đề Thủ Thiêm ra nghị trường.

“Tuy nhiên, quyết định đưa hay không là do Thường vụ Quốc hội, đại biểu chỉ làm kiến nghị gửi Quốc hội xem xét”, lời ông Khuê.

Cũng theo ông Khuê, mới đây chính ông đã điện thoại cho Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, yêu cầu lập đoàn cùng đại biểu của TP.HCM tiến hành giám sát các vấn đề tại khu ĐTM Thủ Thiêm. Trưởng ban Dân nguyện đã đồng ý và cho biết sẽ báo cáo Quốc hội về việc lập đoàn giám sát cùng vào Thủ Thiêm.

{keywords}
Cử tri Thủ Thiêm phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Thanh Tùng

Về việc giải quyết khiếu nại của người dân Thủ Thiêm chậm, kéo dài gần 20 năm ông Khuê cho biết TP  đã và đang có trao đổi với các bộ ngành Trung ương. Giải quyết mọi vấn đề trên tinh thần thận trọng, không để sai sót thêm.

“Có người gửi phản ánh cho tôi, nêu ý kiến khi ra tranh cử, đại biểu luôn hô hào lấy người dân làm trọng yếu. Nhưng, khi trúng cử rồi, người dân bức xúc muốn lại không gặp. Vấn đề này, chúng tôi cũng phải xem xét lại trách nhiệm của mình" - lời ông Khuê.  

Hồ Văn - Thanh Tùng

Sau tết người dân khu 4,3 ha Thủ Thiêm mới được đất hoán đổi

Sau tết người dân khu 4,3 ha Thủ Thiêm mới được đất hoán đổi

Đó là khẳng định của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trong buổi trao đổi ngắn với VietNamNet chiều ngày 3/12.