Cần có một diễn đàn riêng để lợi ích của các địa phương được lên tiếng mà không làm ảnh hưởng đến tính chất vì lợi ích quốc gia của Quốc hội.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu Phần 2 bài viết nhận diện các điểm khác biệt của Quốc hội VN so với các nước.

Kỳ 1: Bao giờ 'nghị sỹ' Việt tiếp dân ở... siêu thị?

>> Ipad và nghị trường

>> Hỏi chuyện người hai lần rơi nước mắt ở nghị trường

>> Khi các 'quan' tỉnh được giám sát

Những thiết chế khác biệt

Cơ cấu tổ chức của nghị viện các nước thường có các chức danh lãnh đạo, hệ thống ủy ban. Một mặt, cơ cấu, tổ chức của Quốc hội Việt Nam cũng có những yếu tố này. Mặt khác, Quốc hội Việt Nam có những thiết chế mà nghị viện các nước không có như: Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH - chỉ có ở Trung Quốc), Đoàn ĐBQH và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Thường trực Ủy ban.

Trước hết là UBTVQH - một thiết chế lãnh đạo tập thể. Ở một số nghị viện có thiết chế tập thể như Hội đồng nguyên lão của Hạ viện CHLB Đức, Chủ tịch Đoàn của Hạ viện Pháp với các thẩm quyền liên quan đến lập dự kiến chương trình để toàn thể nghị viện quyết định, điều phối hoạt động, tương tự như UBTVQH của Việt Nam.

Còn các thẩm quyền còn lại của UBTVQH không có ở các nước khác (trừ Trung Quốc), ví dụ như ban hành pháp lệnh; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; tuyên bố tình trạng chiến tranh khi Quốc hội không họp, quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ, ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; tổ chức trưng cầu ý dân v.v...

Ở các nước, những thẩm quyền như vậy phải đưa ra toàn thể nghị viện quyết định, vì chúng đều liên quan đến những vấn đề của quốc gia. Bên cạnh lý do đó, thẩm quyền giải thích hiến pháp, luật ở các nước phải do tòa án thực hiện, do tòa án mới có thực tiễn xét xử qua từng vụ án.

Tuy nhiên, do Quốc hội nước ta hoạt động không thường xuyên, cho nên UBTVQH được coi là cơ quan thay mặt Quốc hội thực hiện một số nhiệm vụ giữa hai kỳ họp. Lý do này chỉ nên được coi là tạm thời; cùng với thời gian, UBTVQH nếu còn tồn tại có lẽ nên tổ chức theo hướng như cơ quan tương tự ở một số nước.

Cũng như vậy, Đoàn ĐBQH của mỗi tỉnh/thành, là thiết chế "độc nhất vô nhị" trên thế giới, cũng vì lý do Quốc hội nước ta hoạt động không thường xuyên, nhằm tạo điều kiện cho các ĐBQH cùng một tỉnh/thành hoạt động giữa hai kỳ họp ở địa phương. Theo cách gọi nôm na, Đoàn đại biểu Quốc hội như cánh tay nối dài của Quốc hội tại các địa phương.

Ở các nước, nhờ có chế độ chuyên nghiệp, họ không cần một cơ quan như vậy. Còn để duy trì mối liên hệ của nghị sỹ với cử tri ở khu vực bầu cử, họ thành lập văn phòng nghị sỹ tại khu vực bầu cử đó, dù ở Campuchia, Ghana, Bangladesh, hay Đức, Pháp, Mỹ.

Đoàn ĐBQH có thể dẫn đến những hệ quả không mong muốn, rõ nhất là dễ xảy ra, và từng xảy ra tình trạng đại biểu thuộc địa phương nào thì phát biểu vì địa phương đó, phụ thuộc nhiều vào chính quyền địa phương. Dù vậy, thiết chế này vẫn được coi là cần thiết trong thời gian tới, khi Quốc hội chưa chuyển sang chế độ hoạt động chuyên nghiệp.

{keywords}
Hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội năm 2013. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hạ nhiệt cho "tách café"

Trong cơ cấu, tổ chức của cơ quan lập pháp, hệ thống ủy ban được coi như xương sống. Mặc dù có hệ thống ủy ban như nghị viện các nước, HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam có điểm khác biệt là thiết chế Thường trực Ủy ban gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và Ủy viên thường trực. Nhiều ý kiến cho rằng, đặc điểm này gây ra nhiều tầng nấc trong cơ cấu ủy ban, hành chính hóa hoạt động của Ủy ban.

Trong khi đó, lãnh đạo Ủy ban ở nghị viện các nước chỉ chủ trì các cuộc họp, có quyền lực lớn về quy trình, thủ tục, hoạt động của Ủy ban, chứ không có quyền hành chính gì đối với các nghị sỹ khác. Ngoài ra, chỉ có một số ít thành viên Ủy ban của QHVN hoạt động chuyên trách. Đây là một trong những khó khăn trong việc bảo đảm nguyên tắc Ủy ban làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.

Hơn nữa, hệ thống ủy ban của QHVN chưa đạt mức độ phân công lao động chuyên sâu như nghị viện nhiều nước. Đa số các nước đều thiết kế hệ thống ủy ban thường trực của nghị viện tương ứng với số lượng các bộ chuyên môn của chính phủ. Thậm chí ở khá nhiều nước như Đan Mạch, Hà Lan, số lượng ủy ban của nghị viện lớn hơn số lượng các bộ. Không những thế, Ủy ban có thể hoạt động hiệu quả hơn khi phân chia công việc thành các tiểu ban.

Còn ở QHVN, số lượng các ủy ban chưa tương ứng với số các bộ, một ủy ban đang phải phụ trách nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền của các bộ khác nhau. Bên cạnh đó, các tiểu ban của HĐDT và các Ủy ban chưa phát triển mạnh; chưa có các quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn...

Nghị viện các nước có hai loại hình uỷ ban chính là Uỷ ban thường trực và Uỷ ban lâm thời (điều tra, vụ việc). Trong khi ở nhiều nước, không hiếm khi nghị viện thành lập ủy ban lâm thời, thì ở QHVN rất ít được thành lập (ví dụ năm 2002).

Cuối cùng, tổ chức của nghị viện các nước được phân loại thành mô hình một viện và mô hình hai viện (thượng viện, hạ viện). Theo tài liệu của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) năm 2012, trong số  190 nước và vùng lãnh thổ, khoảng 80 quốc gia có 2 viện. Mô hình hai viện được tổ chức chủ yếu ở phần lớn các nước phát triển, các nhà nước liên bang. Ở đây, Hạ viện là viện đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân liên bang, do toàn thể cử tri bầu ra. Thượng viện là viện đại diện cho ý chí của các bang (hoặc tỉnh) và nghị sĩ của Thượng viện thường do các bang/tỉnh bầu hoặc cử ra như ở Hoa Kỳ, Úc, Đức, Bỉ, Campuchia...

Thượng viện tạo một diễn đàn để lên tiếng về lợi ích của địa phương; có thể giúp cân bằng giữa lợi ích địa phương, lợi ích khu vực bầu cử với lợi ích tổng thể của quốc gia. Hơn nữa, theo một giai thoại thú vị,  Thomas Jefferson trong một bữa ăn tối đã hỏi Washington là tại sao ông bằng lòng có một viện thứ hai trong Quốc hội, tức là Thượng viện. Khi đó, thấy Thomas Jefferson đang rót cà phê từ chiếc tách vào đĩa, Washington liền hỏi: "Thế tại sao Ngài lại đổ cà phê vào đĩa như vậy?"; Jefferson trả lời: "Để làm cho cà phê nguội đi". Washington mỉm cười "Điều đó cũng giống như việc chúng ta đổ cơ quan lập pháp ấy vào chiếc đĩa Thượng viện để nó nguội bớt đi!".

Không khí làm việc trong QHVN có lẽ chưa bao giờ nóng như tách cà phê để cần đến chiếc đĩa thượng viện. Nhưng đã có sự cọ xát giữa các luồng lợi ích của xã hội hiện diện trong các phiên họp Quốc hội. Vì vậy, có lẽ nên tính đến một lúc nào đó, cần có cách để làm dịu đi độ nóng trong quy trình lập pháp, làm cho nó cẩn trọng hơn. Đồng thời, cần có một diễn đàn riêng để lợi ích của các địa phương được lên tiếng mà không làm ảnh hưởng đến tính chất vì lợi ích quốc gia của Quốc hội.

(Còn nữa)

Nguyên Lâm