Điểm sạt lở trên Quốc lộ 27C qua huyện Lạc Dương. Ảnh: Đoàn Xuân. 

Dọc Quốc lộ 27C qua huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) đoạn đường Đà Lạt đi Nha Trang, bị sạt lở ở nhiều điểm. Ghi nhận ngày 14/9, tại thôn 1, xã Đạ Sar, sạt lở đã kéo một làn đường xuống phía taluy âm hơn 20m, sâu khoảng 5m. Phía dưới điểm đường sạt lở, nước trong lòng đất chảy thành dòng.

Mặt đường cũng xuất hiện nhiều vết nứt, có vị trí khoảng 20cm, chiều dài ảnh hưởng trên 50m. Nhựa đường bị lật lên từng mảng. Các xe qua khu vực trên chỉ đi được một làn đường và có hiện tượng tiếp tục sạt khi tại địa bàn liên tục có mưa.

Một số vị trí sạt lở khoét sâu, sát đường. Ảnh: Đoàn Xuân. 

Không chỉ khu vực trên, một điểm khác tại Km108+50 tại xã Đạ Sar có đoạn đường dài chừng 30m sạt lở phía taluy âm, kéo theo một phần mặt đường nhựa nứt, bong tróc.

Cũng rơi vào cảnh tương tự, địa bàn xã Đạ Chais, điểm sụt lún xuất hiện tạo thành hố rộng khoảng 6m, sâu chừng 10m. Vị trí này phần đất sạt lở khoét sâu, tạo hàm ếch nằm ngay đoạn đường cong khá gấp ở Quốc lộ 27C, khiến hiểm nguy rình rập người đi đường.

Nhiều lực lượng được huy động khắc phục sạt lở. Ảnh: Đoàn Xuân. 

Người dân thông tin, sau những trận mưa lớn hồi đầu tháng 9, khiến các điểm sạt lở trên tuyến đường này nghiêm trọng hơn. Mỗi lần qua khu vực trên, người đi đường lo lắng vì nguy hiểm, nhất ban đêm, nên mong cơ quan chức năng sớm khắc phục sự cố.

Hiện, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận các điểm sạt lở, tổ chức xử lý. Trong đó, đơn vị thi công huy động lực lượng thực hiện đóng cừ tràm để hạn chế sạt trượt, tuy nhiên do có mạch nước ngầm phía triền núi chảy ra khiến việc thi công gặp khó khăn.

Cơ quan chức năng đặt biển cảnh báo ở các vị trí sạt lở. Ảnh: Đoàn Xuân. 

Theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, kinh phí sửa chữa hai điểm sạt lở trên gần 5,5 tỷ đồng. Đơn vị này đã lên kế hoạch xử lý, dự kiến tới cuối tháng 10 sẽ hoàn thành. Còn điểm sạt lở tại Km80+800, trên địa bàn xã Đạ Chais thì chưa có dự toán, Sở sẽ cố gắng đề xuất để có kinh phí sớm khắc phục điểm sạt lở này.