Cơ chế Covax do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) lên kế hoạch huy động tài chính để cung cấp vắc xin ngừa Covid-19 cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Mới đây, Ủy ban châu Âu, Hàn Quốc, Quỹ Bill & Melinda Gates và các tổ chức khác đã cam kết hỗ trợ thêm 360 triệu USD. Nhờ vậy, quỹ trên đã quyên được hơn 2 tỷ USD để mua và phân phối nguồn dược phẩm chống lại đại dịch Covid-19.
Ảnh minh họa: Reuters
“Mỹ là một trong những nước ủng hộ lớn nhất của Gavi, họ quan tâm rất nhiều đến vắc xin cho các nước đang phát triển. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những cuộc thảo luận về cách thức hợp tác với họ”, Giám đốc GAVI, Seth Berkley, nói.
Cơ chế Covax toàn cầu đã đăng ký mua một tỷ liều vắc xin cho 92 quốc gia nghèo, những nước không có khả năng chi trả cho nguồn dược phẩm ngăn ngừa virus nCoV.
Ông Berkley cho hay: “Chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của nhà tài trợ trên khắp thế giới và họ giúp đạt được mục tiêu này”.
Tuy nhiên, các nước nghèo vẫn cần nhiều hơn nữa mới đáp ứng được nhu cầu. Berkley cho biết từ giờ tới cuối năm 2021, Covax cần 5,3 tỷ USD cho các hoạt động chẩn đoán và 6,1 tỷ USD để trị liệu.
Trong năm 2021, Covax cũng phải có thêm 5 tỷ USD để mua các liều vắc xin ngừa Covid-19 khi chúng được phát triển và có sự phê duyệt của các cơ quan quản lý.
Đầu tuần này, nhà sản xuất dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) cho biết vắc xin của họ có hiệu quả 90% trong các thử nghiệm ban đầu. Hai đơn vị trên đã bày tỏ sự quan tâm đến việc cung cấp hàng cho Covax.
“Chúng tôi đang tiếp tục xúc tiến đàm phán với một số nhà sản xuất ngoài những đơn vị chúng tôi đã công bố. Đó là những người chia sẻ tầm nhìn của chúng tôi về việc phân phối vắc xin hợp lý và công bằng”, Berkley khẳng định.
An Yên (Theo Reuters)
Nhiều nước châu Á gặp khó khăn nếu muốn dùng vắc xin của Pfizer
Vắc xin của Pfizer cần phải được trữ lạnh âm 70 độ C - điều kiện khó đáp ứng với nhiều nước châu Á nắng nóng, có nhiều vùng đảo xa xôi.