Với thời tiết nóng bức của vùng nhiệt đới, có nhiều vùng hải đảo xa xôi, khan hiếm tủ đông cực lạnh, một số quốc gia châu Á không đặt cược vào việc vắc xin thử nghiệm của Pfizer sẽ sớm giải quyết được cuộc khủng hoảng Covid-19.
Ngày 9/11, thế giới tràn ngập niềm lạc quan khi hãng dược phẩm Pfizer tuyên bố vắc xin Covid-19 của họ có hiệu quả hơn 90% dựa trên kết quả thử nghiệm ban đầu.
Ảnh minh họa: Reuters
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo vắc xin Covid-19 của Pfizer nếu được phê duyệt, không phải là giải pháp kỳ diệu bởi chúng cần được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C.
Yêu cầu như vậy đặt ra một thách thức đặc biệt khó khăn đối với các quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Ở các châu lục này, nhiều nơi thường có nắng nóng gay gắt, cơ sở hạ tầng yếu kém sẽ gây khó khăn cho việc giữ nguyên “dây chuyền lạnh” trong quá trình giao hàng đến vùng nông thôn và các đảo.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 70% người dân trên toàn cầu phải được tiêm chủng để chấm dứt đại dịch. Châu Á là nơi sinh sống của 4,6 tỷ người - tức là 3/5 dân số toàn cầu.
Một số quốc gia châu Á đang ưu tiên kiểm soát virus nCoV hơn là tìm cách dự trữ vắc xin. Trong khi đó, những nước khác đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho công nghệ RNA mà Pfizer sử dụng, đòi hỏi điều kiện bảo quản siêu lạnh.
“Yêu cầu dây chuyền lạnh -70 độ C là một vấn đề lớn. Chúng tôi không có cơ sở như vậy”, Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque nói.
“Chúng tôi sẽ phải chờ xem. Pfizer đang sử dụng công nghệ mới. Chúng tôi không có kinh nghiệm về điều đó, vì vậy rủi ro có thể cao”, quan chức này cho hay.
Pfizer đã lên kế hoạch và hậu cần chi tiết để hỗ trợ việc vận chuyển, bảo quản vắc xin và theo dõi nhiệt độ liên tục.
“Chúng tôi cũng đã đổi mới bao bì và bảo quản để phù hợp với nhiều địa điểm mà chúng tôi tin rằng việc tiêm chủng sẽ diễn ra”, đại diện hãng cho hay.
Vắc xin là câu chuyện của tương lai
Tuy nhiên, ngay cả những quốc gia giàu có như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang dè dặt và có ý kiến về vắc xin Covid-19 của Pfizer. Fumie Sakamoto, Giám đốc kiểm soát nhiễm trùng tại Bệnh viện Quốc tế St. Luke ở Tokyo (Nhật), cho biết: “Việc lưu trữ là một thách thức lớn đối với chúng tôi”.
“Tôi không chắc chính phủ của chúng tôi đã chuẩn bị như thế nào về việc duy trì chuỗi lạnh. Các bệnh viện ở Nhật Bản thường không có tủ đông cực lạnh, nhưng đã đến lúc chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về hậu cần cho vắc xin".
Nhật Bản là một trong ba quốc gia châu Á Thái Bình Dương đã công bố các hợp đồng cung cấp vắc xin của Pfizer. Họ đã ký thỏa thuận 120 triệu liều, trong khi Australia đăng ký 10 triệu liều và Fosun của Trung Quốc muốn có 10 triệu liều cho Hong Kong và Macau.
Công ty PHC của Nhật Bản, chuyên cung cấp tủ đông y tế, cho hay, nhu cầu đã tăng 150% trong năm nay và họ đang tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu.
Kwon Jun-wook, quan chức tại Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), cho biết họ muốn xem việc tiêm chủng tiến triển như thế nào ở các quốc gia khác trước. Họ cũng sẽ kiểm tra kỹ lưỡng chuỗi cung ứng của mình.
Nước này gần đây đã gặp phải vấn đề về kho lạnh khi phải bỏ khoảng 5 triệu liều vắc xin cúm do không được bảo quản ở nhiệt độ khuyến nghị. Theo nghiên cứu năm 2018, chỉ một phần tư trong số 2.200 phòng khám tư nhân được khảo sát có tủ lạnh y tế, với 40% sử dụng tủ lạnh gia dụng.
Indonesia, với 273 triệu dân sống rải rác trên hơn 17.000 hòn đảo, đang xem xét nhiều loại vắc xin khác nhau. Tuy nhiên, Airlangga Hartarto, người đứng đầu nhóm ứng phó Covid-19, cho hay, vắc xin Pfizer không nằm trong danh sách.
An Yên (Theo Reuters)
Vắc xin Pfizer gây thắc mắc về độ an toàn và hiệu quả lâu dài
Dù Pfizer tuyên bố có vắc xin ngừa Covid-19 hiệu quả 90%, giới chuyên gia vẫn đặt ra nhiều nghi ngờ.