- Bị đặt vào thế “được phân công thì làm” có lẽ là lý do khiến bản thông tư mới quy định việc nhập máy móc đã qua sử dụng trở nên “chơi vơi”, có chính danh mà ngôn vẫn chẳng thuận.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ tạm dừng thi hành Thông tư 20 (cuối tháng 8/2014) quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, mới đây, Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) đã ban hành Thông tư 23 thay thế cho thông tư này.

{keywords}
Thông tư 23 quy định việc nhập khẩu máy móc thiết bị cũ được cho là một "bước lùi" so với thông tư trước. 

Thông tư mới được cho là thông thoáng hơn cho doanh nghiệp (DN) với những yêu cầu không quá ngặt nghèo đồng thời đưa ra rất nhiều đối tượng thuộc diện “được loại trừ”.

Chẳng hạn các máy móc cũ đang được quản lý trong các văn bản của các bộ và cơ quan ngang bộ khác, máy móc phục vụ phát triển khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng, các trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu… đều không chịu sự điều chỉnh của thông tư.

Thông tư cũng loại ra ngoài các thiết bị cũ trong các dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư hoặc thuộc diện phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Có nghĩa, các máy móc cũ trong các dự án đầu tư sử dụng ngân sách và dự án có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không phải chịu sự quy định của thông tư mới.

Trao đổi với VietNamNet, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định, Giám định Công nghệ, đơn vị soạn thảo thông tư 23 khẳng định, sau khi loại trừ các đối tượng này, đối tượng chịu sự điều chỉnh của thông tư mới thực tế không còn nhiều.

Chưa kể, thông tư cũng quy định các bộ khác tùy theo lĩnh vực có thể tiếp tục ban hành các quy định riêng về máy móc cũ tùy theo lĩnh vực của mình và cũng sẽ được loại trừ khỏi thông tư.

Vào cuối năm ngoái, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là những doanh nghiệp phản ứng mạnh nhất với Thông tư 20 của Bộ KHCN. Đây có thể là lý do khiến các doanh nghiệp này được thông tư mới đưa vào “diện loại trừ” mặc dù ông Nam khẳng định “không có sự phân biệt đối xử” ở đây.

Đáng nói, việc loại trừ quá nhiều đối tượng khiến thông tư mới trở nên “chơi vơi” khi đối tượng điều chỉnh không nhiều mà theo như ông Đỗ Hoài Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng.

{keywords}
Ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định, Giám định Công nghệ, đơn vị soạn thảo Thông tư 23. Ảnh: Lê Văn.

Số DN nhập khẩu máy móc thiết bị cũ nhiều nhất vào Việt Nam là các DN kinh doanh xuất nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng chứ không phải nhập vào cho dự án đầu tư. Còn số nhập vào cho dự án đầu tư thì có thể đếm trên đầu ngón tay được”, ông Nam nói.

Thừa nhận thông tư mới là “một bước lùi”, ông Nam, nói rằng, những người soạn thảo thông tư ở vào thế “buộc phải thỏa hiệp”. “Nói đúng ra là chúng tôi đã lùi đến chân tường rồi. Nhưng mình buộc phải thỏa hiệp với người ta (doanh nghiệp)”, ông Nam trải lòng.

Chính phủ phân công thì làm

Ông Đỗ Hoài Nam cũng cho biết, việc Bộ KHCN ban hành Thông tư quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ xuất phát từ Nghị định 187 của hướng dẫn thi hành Luật Thương mại ban hành 20/11/2013.

Tại Điều 9 của Nghị định này có quy định Bộ KHCN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành quy định cụ thể về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, theo ông Nam, máy móc thiết bị là hàng hóa mà hàng hóa là chức năng quản lý của Bộ Công thương chứ không phải Bộ KHCN.

Lâu nay, người ta cứ hiểu thiết bị là công nghệ nên giao (việc doạn thông tư) cho Bộ KHCN làm việc này. Chứ đúng chức năng của Bộ KHCN là thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động KHCN thôi”, ông Nam nói. “Tuy nhiên, Chính phủ đã phân công thì Bộ KHCN vẫn thực hiện”.

Bị đặt vào thế “được phân công thì làm” có lẽ là lý do khiến bản thông tư mới của Bộ KHCN chính danh nhưng dường như ngôn vẫn chưa thuận. Tuy vậy, ông Nam vẫn khẳng định, việc ban hành thông tư là cần thiết.

Trong quá trình soạn thảo, chúng tôi đã báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 3 lần. Văn bản cuối cùng cũng được đưa ra tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ và Thủ tướng thấy cần phải ban hành”, ông Nam cho hay.

Ông Nam cũng cho hay, thông tư sẽ tiếp tục được điều chỉnh nếu triển khai thực tế gặp vướng mắc. “Có thể trong quá trình thực hiện thông tư có thể nảy sinh các vấn đề mà cần phải xem xét điều chỉnh thì Bộ KHCN sẽ xem xét điều chỉnh. Tôi nghĩ tất cả văn bản khi đi vào trong thực tiễn nếu có vấn đề gì vướng mắc thì đều có thể điều chỉnh được”, ông Nam nói.

Ở đây cần có sự chia sẻ giữa quyền lợi của DN với quyền lợi chung của cộng đồng để thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế xã hội bền vững, chiến lược phát triển KHCN… Muốn thực hiện các mục tiêu như vậy thì chúng ta phải từng bước ngăn chặn (việc nhập máy móc thiết bị cũ vào Việt Nam)”, ông Nam khẳng định.

  • Lê Văn