Quy hoạch không gian biển quốc gia
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Minh Ngân cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội; phát huy các tiềm năng, lợi thế của biển và hải đảo, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
Mục tiêu chính của các nhiệm lập quy hoạch này nhằm bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Theo ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là quy hoạch đa ngành nhằm phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển. Từ đó, định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển và giải quyết các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dung tài nguyên, không gian biển. Được lập theo cách tiếp cận tổng hợp và dựa vào hệ sinh thái. Được lập trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành quốc gia, nhưng có sự điều chỉnh, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trên một không gian biển nhất định; xử lý các khu vực chồng lấn giữa các quy hoạch; mâu thuẫn giữa các hoạt động khai thác, sửu dung tài nguyên biển trên một không gian biển nhất định.
Chính vì vậy, sẽ có khoảng Có 34 quy hoạch ngành quốc gia xác định cần được xem xét, tích hợp trong hai quy hoạch này.
Thảo luận 4 chuyên đề quan trọng
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia cũng tập trung thảo luận 4 chuyên đề quan trọng, đó là: Chuyên đề về du lịch và dịch vụ biển: Định hướng quy hoạch phát triển du lịch biển, đảo và sự tham gia của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong quá trình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ
Chuyên đề về đô thị ven biển: Thực trạng và định hướng quy hoạch phát triển các đô thị ven biển trong Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ
Chuyên đề về năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới: Định hướng quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo và sự tham gia của Bộ Công thương trong quá trình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ
Chuyên đề về nuôi trồng và khai thác hải sản: Định hướng quy hoạch phát triển thuỷ sản và sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ
Chuyên đề về kinh tế hàng hải: Định hướng quy hoạch phát triển hàng hải và sự tham gia của Bộ Giao thông vận tải trong quá trình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
Là một quốc gia ven biển có bờ biển dài, nhiều đảo, trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, sự suy giảm nguồn lợi, tài nguyên biển và tác động của biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước về biển, hải đảo và tăng cường hợp tác quốc tế. Trong đó, nổi bật là Luật Quy hoạch, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Đồng thời, Việt Nam đã chủ động tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và ký kết các hiệp định liên quan với các nước có chung đường biên giới biển.
Đặc biệt, ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tổng quát, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Nghị quyết xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể, phân công trách nhiệm thực hiện cho các cơ quan liên quan, trong đó có xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch quốc gia, ngành, lĩnh vực.
B. Hân