Việc phát hiện thêm nhiều vụ trao nhầm trẻ sau khi sinh ở Hà Nội đã chỉ ra lỗi hệ thống trong quá khứ ở nhà hộ sinh, bệnh viện (BV).
Sau khi đăng bài "Tiết lộ" thêm một số trường hợp nhầm con ở Hà Nội”, đã có thêm nhiều độc giả chia sẻ về việc gia đình họ từng bị trao nhầm, nhưng may mắn đã nhận ra ngay nên không xảy ra bi kịch. Và nỗi lo nhầm trẻ khi sinh ở BV, nhà hộ sinh đang lan trong xã hội .
Thêm những vụ trao nhầm trẻ dù chưa thành
Bà Trấn Thị Tâm Lưu (nhà ở Giang Văn Minh, Hà Nội) chia sẻ: Năm 1977, sau khi sinh con trai tại BV Xanh Pôn, bà khỏe mạnh, tỉnh táo nên ngắm rất kỹ khuôn mặt của bé và ghi nhận đặc điểm là em bé tóc hơi xoăn, đen nhánh và sống mũi có vết trắng. Nhưng khi bà xuất viện thì hộ lý lại trao cho bà thì một đứa trẻ tóc lơ thơ và yếu ớt, khác hoàn toàn đứa trẻ lúc bà sinh. Dĩ nhiên là bà không nhận đứa bé. Lúc này hộ lý mới tìm lại và trao cho bà đúng đứa con bà với các đặc điểm mà bà tả. Hóa ra, cả 2 đứa trẻ đều mang số …29, có điều một đứa 29A, một đứa 29B nên trả nhầm.
Đáng lo ngại là, không chỉ những năm tháng chiến tranh, đất nước khó khăn, lạc hậu, tình trạng trao nhầm mới xảy ra, mà sau này, tình trạng trên vẫn diễn ra.
Tìm hiểu qui trình trao trẻ cho mẹ sau khi sinh trước đây thấy có nhiều lỗ hổng. Hầu hết sau khi sinh, hộ lý tách con khỏi mẹ ra phòng khác để theo dõi bé, có khi vài tiếng, thậm chí một hay vài ngày do người mẹ bị mổ hay khâu, phải uống kháng sinh nên chưa có sữa, rồi mới mang con lại để người mẹ cho bú. Việc tách trẻ ra khỏi mẹ mà không có người thân giám sát, rất dễ nhầm lẫn.
Như anh Cấn Đình Việt ở Linh Lang, Hà Nội cho biết: “Năm 2009, vợ anh đẻ mổ ở BV Phụ sản Hà Nội, lúc mổ không có người nhà, xong việc mẹ vào hậu phẫu, con mang đến 1 phòng khác, không có người nhà suốt nhiều giờ. Cách thức như thế khó đảm bảo không nhầm lẫn!”
Theo bà Ngô Thùy Dung, nguyên Điều dưỡng trưởng của BV Đại Từ, Thái Nguyên, thường việc nhầm lẫn xảy do ở lúc tắm cho bé vì mực bị mờ hoặc vòng đeo số của trẻ bị thất lạc. Vì thế, chưa bàn đến những vụ việc cố ý “nhầm lẫn”, thì chỉ sự vô tình hay tắc trách của hộ sinh, là có thể nhầm lẫn. Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, các em bé sinh ra còn không được đánh dấu, mà xếp nằm theo thứ tự sinh nên chỉ cần đặt nhầm chỗ là dẫn đến trao nhầm con.
Những năm sau, tiến bộ hơn, các hộ sinh viết tên cháu bé và mẹ cháu vào mông hoặc chân bằng mực tím. Nhưng mực vẫn bị phai trong quá trình tắm cho trẻ nên, việc nhầm lẫn cũng xảy ra. Thời gian sau, ngành y tế sử dụng phương pháp đeo các vòng cùng số cho mẹ và con. Song, do dây đeo bằng cước hoặc chỉ, nên số vẫn có thể rơi hoặc thất lạc và là nguyên nhân của việc nhầm lẫn.
Quy trình hiện đại
Khi những vụ trao nhầm con đã và suýt thành được tiết lộ những ngày qua, đã làm dấy lên nỗi lo ngại trong xã hội đặt câu hỏi: Qui trình nhận con ra sao để việc trả nhầm con không còn là cá biệt? Đặc biệt, nhiều người băn khoăn qui trình nhận con ở các BV, nhất là các BV lớn mỗi ngày có cả trăm cháu bé ra đời, thì làm sao để không nhầm lẫn? Mong muốn mang đến câu trả lời chính xác cho bạn đọc, sáng 14-3-2016, PV Báo CAND đã có mặt tại BV Phụ sản Trung ương để tìm hiểu.
Theo chị Phó Thị Quỳnh Châu, Điều dưỡng trưởng Khoa đẻ, thì trước năm 2011, BV Phụ sản Trung ương đánh dấu các cặp mẹ -con sản phụ bằng các bộ số nhôm: một mặt ghi năm, một mặt ghi số thứ tự em bé sinh trong năm, được đeo vào cổ em bé và tay mẹ.
Bộ số này chỉ cấp một lần, không cấp lại. Kèm theo đó là bộ đồ sơ sinh gồm 3 áo và 1 mũ có cùng thông tin. Khi tắm cho bé, hộ sinh phải đối chiếu đúng số của mẹ-con kèm số ở áo sơ sinh. Hết năm sẽ hủy bộ số đã dùng cùng đồ sơ sinh chưa dùng đến. Nhưng việc dùng bộ số nhôm bất tiện khi phải luồn cước nên dễ bị tuột, nên BV đã thay bằng những chiếc vòng nhựa ghi thông tin bằng mực không phai sau khoảng 20 năm dùng cách đeo bộ số.
Đặc biệt, với sự giúp đỡ của PGS.TS. Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương và chị Phó Thị Quỳnh Châu, chúng tôi đã trực tiếp quan sát từ đầu đến cuối qui trình từ khi bắt đầu sinh em bé của sản phụ cho đến khi 2 mẹ con được đưa đến phòng sau đẻ, để biết rõ về việc trao –nhận con sau khi sinh, qua trường hợp của sản phụ Nguyễn Thị Điệp (31 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội).
Ngay khi em bé chào đời, hộ sinh lập tức đưa em bé cho người mẹ - giám sát giới tính, giờ sinh, rồi đặt em bé còn chưa cắt dây rốn nằm úp trên bụng mẹ. Nhân viên y tế hỏi tên đứa trẻ rồi viết bệnh án, đồng thời, ghi thông tin 2 mẹ con và số thứ tự sinh vào bộ vòng đeo tay nhựa bằng loại mực không phai. Sau khi cùng người mẹ xác nhận lại thông tin, chiếc vòng lớn được đeo vào tay mẹ, vòng nhỏ đeo vào chân con.
Xong xuôi, các nhân viên y tế mới tiếp tục các thủ thuật với người mẹ. Cho đến khi chuyển 2 mẹ con ra phòng sau đẻ, em bé vẫn nằm nguyên trên bụng mẹ. Trong trường hợp em bé bị bệnh lý phải chuyển xuống Khoa Sơ sinh, phải có nhà đi cùng.
Chúng tôi trò chuyện thêm với sản phụ Lê Thị Hà (25 tuổi ở Khu Văn hóa Gia Lâm, Hà Nội) sinh vào đầu giờ sáng ngày 14-3, chị cho biết, đến khi được chuyển từ phòng đẻ ra phòng sau đẻ, chị hoàn toàn không phải rời con một phút.
Chị Phó Thị Quỳnh Châu cho biết thêm, khi cuộc sinh nở bắt đầu, sản phụ được BV phát 3 áo sơ sinh và một mũ đã hấp tiệt trùng. Khi tắm, gia đình sẽ trực tiếp đưa áo cho hộ sinh thay và khi về, gia đình mang về hoặc hủy bỏ để tránh nhầm lẫn. Bộ vòng mẹ-con có đặc điểm là tháo ra sẽ không dùng được, nên không thể có chuyện tháo từ bé này đeo sang bé khác. Số vòng do chị Phó Thị Quỳnh Châu trực tiếp quản lý, phát từng ngày theo số sản phụ và em bé chào đời.
Với qui trình hiện đại này ở BV Phụ sản Trung ương, không thể có chuyện nhầm con. Vì thế, mong muốn các BV khác học tập để ứng dụng qui trình này, nhằm khắc phục những lỗ hổng có thể dẫn đến việc trao nhầm trẻ, nhất là khi các vụ việc đã và đang được phát hiện nhiều thêm.
Qui trình quản lý sau sinh hiện đại ở BV Phụ sản Trung ương:
Mỗi đứa trẻ được phát 3 áo sơ sinh cùng chiếc vòng tay ghi thông tin trùng chiếc vòng của mẹ. |
Em bé được nằm úp lên bụng mẹ ngay khi chào đời |
Nhân viên y tế vào bệnh án ngay tên tuổi 2 mẹ con sản phụ |
Thông tin 2 mẹ con được ghi vào vòng nhựa bằng mực không phai |
Sản phụ được xác nhận lại thông tin trên vòng trước khi đeo cho 2 mẹ con. |
Đeo vòng cho mẹ. |
Đeo vòng vào chân con. |
Khớp số vòng của mẹ và con lần nữa. |
Em bé vẫn trong tay mẹ. |
Khi được chuyển từ phòng đẻ ra phòng sau đẻ, em bé vẫn không rời mẹ. |
Bác sĩ dặn dò và để hai mẹ con nằm nghỉ. |
Theo Công an nhân dân