Đây là mô hình thứ 2 trong 43 mô hình điểm về thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, thuộc nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Ki-ốt dịch vụ công này được đặt tại bộ phận một cửa xã Bình Phú (huyện Thăng Bình) từ tháng 8/2024. Thiết bị thoạt nhìn trông giống cây ATM, được cấu thành từ hệ thống máy tính màn hình cảm ứng, camera giám sát, tích hợp máy in + scan, máy quét mã QR Code và được kết nối đến Cổng dịch vụ công thông qua mạng wifi.
Bên cạnh hệ thống cảm biến thông minh, khai thác dữ liệu từ app VNeID, thông qua công nghệ tự động hóa được hỗ trợ tại ki-ốt, người dân không cần tiếp xúc trực tiếp với cán bộ tiếp nhận và trả kết quả. Đồng thời, người dân có thể đánh giá mức độ hài lòng đối với việc giải quyết hồ sơ, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm và sự chủ động của cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Theo ông Trương Văn Thành - công chức tư pháp - hộ tịch xã Bình Phú, điểm tiện lợi của ki-ốt là tất cả nội dung hiển thị bằng tiếng Việt, thao tác đơn giản, quy trình gọn lẹ, phù hợp với trình độ của tất cả người dân, nhất là đối với công dân lớn tuổi. “Sau khi công dân nộp thủ tục tại máy, hồ sơ sẽ được chuyển đến Cổng Dịch vụ công để cán bộ tiếp nhận, xử lý và trả kết quả đúng hẹn. Hệ thống này còn được tích hợp máy in + scan nên rất thuận tiện và giúp tiết kiệm chi phí cho cơ quan nhà nước”, ông Thành chia sẻ.
Lần đầu trải nghiệm giao dịch thủ tục hành chính bằng ki-ốt dịch vụ công, ông Nguyễn Cảnh (trú thôn Lý Trường, xã Bình Phú) hào hứng, thay vì phải xếp hàng mất thời gian để chờ đến lượt như trước đây, giờ chỉ cần vài thao tác đơn
giản trên máy là xong.
Sau khi chọn hồ sơ và thủ tục cần nộp trên màn hình ki-ốt, ông Cảnh đăng nhập bằng cách quét mã QR ứng dụng VNeID trên điện thoại. Lúc này màn hình ki-ốt hiển thị yêu cầu khách hàng nhập đầy đủ thông tin, kiểm tra và xác nhận đủ thành phần hồ sơ. Đặc biệt, các loại giấy tờ đính kèm theo hồ sơ cần nộp chỉ cần cho vào khe scan, máy sẽ tự động tạo bản sao và trả lại giấy tờ gốc ngay tại chỗ.
Sau khi thực hiện xong các bước, ki-ốt yêu cầu kiểm tra lại thông tin đã nhập và nhập mã xác nhận. Tiếp đó, hệ thống hiển thị nộp hồ sơ thành công và máy tự động in giấy hẹn ngày trả kết quả.
“Tôi thấy ki-ốt rất hiện đại và tiện lợi, thoạt nhìn giống cây ATM và hình thức sử dụng cũng khá đơn giản. Thay vì trước đây phải xếp hàng chờ đợi cán bộ tiếp nhận hồ sơ, giờ có máy này khoẻ hơn rất nhiều, khi mình có việc cần giải quyết về thủ tục thì tranh thủ chạy lên tự nộp vào máy xong rồi về nhà có thể theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ dễ dàng”, ông Cảnh chia sẻ.
Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết, trước đây khi chưa trang bị ki-ốt dịch vụ công thì người dân đến làm thủ tục hành chính trực tiếp rất đông. Ngoài ra, thời gian giải quyết một hồ sơ cũng rất lâu, dẫn đến quá tải và bà con chờ đợi phiền hà.
Chủ tịch UBND xã Bình Phú chia sẻ: “Giờ đây, thông qua ki-ốt, người dân có thể tự thao tác nộp hồ sơ, nhận phiếu hẹn nên rất tiện lợi. Bên cạnh đó, mô hình này cũng là thước đo để người dân tiếp cận, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ công chức tại bộ phận một cửa. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng hài lòng cho người dân và tăng cường trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực hiện nhiệm vụ”.
“Về lâu dài, ki-ốt còn có thể lưu động đến những nơi công cộng như nhà văn hóa thôn, điểm dân cư đông đúc khi công dân cần thực hiện thủ tục hành chính theo sự kiện nên hết sức linh hoạt”, ông Hải nói thêm.
Thời gian tới, Quảng Nam sẽ đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm ki- ốt này và nhân rộng ra các xã, phường trên toàn tỉnh để đồng bộ trên hệ thống trực tuyến với mục tiêu đưa Quảng Nam duy trì mức tốt cả nước về Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tính đến ngày 26/8, theo số liệu được trích xuất trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đạt 80,02 điểm, xếp vị trí 22/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. |
Hà Nam