Sau hơn 1 năm, việc sử dụng phương án thuế bình quân gia quyền để tính giá xăng dầu đang dần lộ rõ sự bất cập. Nếu không kịp thời có giải pháp, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ bị thiệt.
Ồ ạt nhập xăng dầu Hàn Quốc: Nỗi lo độc quyền, ép giá
Khó tính thuế để làm cơ sở điều chỉnh giá bán
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu của phiên đầu tiên quý IV (5/10) vừa qua, có một điểm bất thường là Bộ Tài chính không công bố thuế bình quân gia quyền áp dụng cho quý IV/2017 để Bộ Công Thương tính giá bán xăng dầu.
Cho nên, để đảm bảo đúng quy định điều chỉnh giá xăng dầu trước 17h ngày 5/10, Bộ Công Thương phải dựa vào mức thuế cũ áp dụng từ quý III.
Vì sao Bộ Tài chính lại “lỡ hẹn” cung cấp mức thuế bình quân gia quyền để Bộ Công Thương làm căn cứ điều chỉnh giá xăng dầu?
Mức thuế để tính giá bán xăng dầu đang lộ sự bất cập. |
Trả lời PV.VietNamNet, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay: Tại đợt điều hành 5/10 vừa rồi, đúng ra phải có thuế bình quân gia quyền của quý trước áp dụng cho quý IV này. Tuy nhiên, trong quá trình Bộ Tài chính rà soát tính toán có phát sinh một số vấn đề mà Bộ thấy cần báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
"Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ thông báo mức thuế bình quân gia quyền", ông Truyền nói.
Theo nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu, cách tính thuế bình quân gia quyền rất phức tạp. Để tính được mức thuế bình quân gia quyền, đơn vị chức năng của Bộ Tài chính phải sẽ dựa vào sản lượng và mức thuế nhập khẩu xăng dầu của Hàn Quốc, ASEAN và cả lọc dầu Dung Quất. Bóc tách số liệu của từng nơi là nhiệm vụ không dễ dàng khi buổi sáng ngày điều hành giá các dữ liệu mới được gửi về, trước 3 giờ chiều đã phải có phương án thuế.
Lý do thứ hai dẫn đến khó khăn trong việc tính thuế bình quân gia quyền là nguồn xăng dầu của lọc dầu Dung Quất.
Năm 2016, trong những quý đầu tiên áp dụng thuế bình quân gia quyền, Bộ Tài chính không tính đến lọc dầu Dung Quất. Nhưng những quý gần đây, xăng dầu của lọc dầu Dung Quất được đưa vào công thức để tính thuế bình quân gia quyền xăng dầu.
Điều phức tạp là, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/1/2017 lọc dầu Dung Quất được tự quyết định giá bán, không chịu thuế nhập khẩu như trước đây. Vì vậy, đơn vị tính toán khó khăn khi áp mức thuế nhập khẩu nào cho lọc dầu Dung Quất bởi nguyên tắc thuế nhập khẩu chỉ tính cho nguồn nhập khẩu, trong khi Dung Quất lại là DN trong nước, bán ở trong nước.
Nhờ được tự quyết về giá, giá bán của xăng dầu Dung Quất đã cạnh tranh hơn, thu hút được các đầu mối xăng dầu đến mua hàng.
Quý I/ 2017, tỷ lệ xăng từ nguồn nhập khẩu là 49,35%, còn nguồn sản xuất trong nước (lọc dầu Dung Quất) là 50,65%.
Đến quý II thì tỷ trọng xăng của lọc dầu Dung Quất vươn lên chiếm 52,59%, còn nguồn nhập khẩu là 47,41%.
Khi cơ cấu nguồn cung của Dung Quất tăng lên thì cơ hội giảm thuế bình quân gia quyền cũng rõ rệt hơn, vì khi đó, lượng nhập khẩu từ thị trường có mức thuế cao sẽ giảm xuống.
Bằng chứng là, mức thuế bình quân gia quyền áp dụng cho quý III/2017 bất ngờ giảm từ mức 10,21% xuống dưới 10%, chỉ còn 9,31%.
Thuế bỗng giảm xuống dưới 10% lại nảy sinh một khó khăn khác cho cơ quan quản lý cũng như làm lộ rõ bất cập của thuế bình quân gia quyền!
Sản phẩm của lọc dầu Dung Quất đang được tiêu thụ tốt. |
Doanh nghiệp và người tiêu dùng: Ai chịu thiệt?
Đáng băn khoăn ở chỗ, mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở chỉ là 9,31%, trong khi mức thuế nhập khẩu thấp nhất vẫn lên đến 10% (nhập từ Hàn Quốc). Cần lưu ý thêm, từ đầu năm 2017 đến nay, gần như 100% xăng nhập khẩu là từ thị trường Hàn Quốc do có mức thuế đặc biệt thấp.
Điều đó có nghĩa, sẽ có DN nhập khẩu xăng dầu phải chịu thiệt khi liên bộ Công Thương - Tài chính tính giá bán lẻ xăng dầu.
Tuy nhiên, nếu không tính xăng của lọc dầu Dung Quất thì người tiêu dùng thiệt. Bởi mức thuế bình quân gia quyền với xăng sẽ vọt lên trên 10% trong khi thực tế nhiều DN nhập khẩu xăng không chịu mức thuế cao như vậy.
Năm 2018, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) vận hành thương mại, nhà máy này lại đang được giữ cơ chế thuế với nhiều ưu đãi khác. Cho nên, để tính được một mức thuế bình quân gia quyền, cơ quan quản lý sẽ phải tính từ nhiều nguồn với các mức thuế khác nhau là lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất, ASEAN, Hàn Quốc. Một công việc không hề dễ.
Vì vậy, giải pháp cho thuế xăng dầu để tính giá bán lẻ, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, tái khẳng định: Cần xem xét giảm thuế nhập khẩu xuống còn 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và lấy đó là mức thuế để tính giá cơ sở.
Ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), cho biết, hiện Bộ Tài chính không có chủ trương giảm thuế với xăng dầu mà vẫn thực hiện theo các cam kết.
Để giá xăng dầu phù hợp với thị trường hơn, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng: Trong khi nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Nghị định 83 cần xem xét bỏ giá cơ sở, không dùng giá cơ sở để điều chỉnh giá bán lẻ như hiện nay. Giá cơ sở chỉ là những tiêu chí để tham khảo, tùy theo điều kiện cụ thể, doanh nghiệp sẽ ra quyết định giá bán lẻ. Có như vậy mới đúng bản chất giá thị trường.
Hơn 1 năm trước, vào tháng 3/2016, VietNamNet cùng báo chí đã đăng tải về 'Lỗ hổng' thuế, DN xăng dầu 'đút túi' ngàn tỷ. Lý do là mức thuế để tính giá bán lẻ xăng dầu cao hơn nhiều mức thuế nhập khẩu DN chịu. Sau đó không lâu, Bộ Tài chính đã áp dụng mức thuế bình quân gia quyền để làm cơ sở tính giá xăng dầu. Sau hơn 1 năm áp dụng, mức thuế để tính giá bán lẻ xăng dầu thực sự đã giảm mạnh. Cụ thể xăng từ mức thuế 20% giảm còn 18,35% (áp dụng cho quý II/2016), rồi 15,75% áp dụng cho quý III/2016. Mức thuế áp dụng cho mặt hàng xăng áp dụng cho quý I/2017 còn 10,56% quý II còn 10,21%, quý III còn 9,31%. |
Lương Bằng