Bỏ hay không, cuộc tranh cãi không có hồi kết
 
PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, giữ quan điểm không thể bỏ điểm ưu tiên trong thi cử, bởi vì điều kiện học tập của các vùng miền hiện nay chênh lệch nhau rất nhiều. Hơn nữa điểm ưu tiên còn nhằm mục đích đào tạo cán bộ cho vùng sâu vùng xa và giải quyết bài toán phát triển kinh tế cho các vùng khó khăn.
 
Ông Dũng phân tích, nhờ chính sách ưu tiên mà số lượng các em học sinh khu vực nông thôn các tỉnh miền núi và miền Trung trúng tuyển ĐH nhiều hơn. Sau tốt nghiệp, các em quay về phục vụ địa phương hoặc ngay cả ở lại các thành phố lớn làm việc thì cũng gửi tiền về quê giúp đỡ gia đình. Nhờ chính sách ưu tiên mấy năm nay giúp giảm số lượng người bán vé số từ các tỉnh nghèo. 


Theo ông Dũng, việc kêu ca rằng vì chính sách ưu tiên điểm mà có tình trạng thí điểm cao rớt đại học còn thí sinh thấp điểm lại đỗ là vì công tác tư vấn tuyển sinh yếu chứ không phải do điểm ưu tiên. Trên thực tế với những ngành hot, thí sinh có điểm thi cao không phải là những em điểm xét tuyển cao, ông Dũng đánh giá điều này là bình thường. Hiện điểm ưu tiên khu vực đã được giảm một nửa từ năm 2018, vì vậy không có sự thiệt thòi gì ở đây, có chăng là do thí sinh khi đăng ký xét tuyển. Khi đăng ký phải đặt nhiều nguyện vọng, còn điểm cao mà đặt ít nguyện vọng thì rớt là tất nhiên và điều này là lỗi tại thí sinh.
 
Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng chỉ khi nào người dân mọi nơi trên cả nước có điều kiện kinh tế đồng đều thì mới bỏ ưu tiên khu vực, còn bỏ bây giờ là tạo điều kiện cho dân nhà giàu và dân thành phố vào đại học.
 
Theo PGS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, bản chất của cộng điểm ưu tiên là tạo sự công bằng cho các đối tượng/vùng miền do điều kiện tiếp cận giáo dục bậc phổ thông chưa đều. Và thực tế các thí sinh thuộc diện cần hỗ trợ, ưu tiên khi được cộng điểm ưu tiên vào đại học, cao đẳng vẫn có khả năng phát triển tốt như các bạn đang có mức học tốt ở những nơi có điều kiện giáo dục phổ thông tốt hơn.

Các thí sinh được ưu tiên này khi tốt nghiệp sẽ góp phần thay đổi đời sống kinh tế chính trị ở các vùng khó khăn, và góp phần tạo ra nguồn nhân lực phục vụ địa phương như vậy chủ trương là đúng.
 
Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng nên tính đến chuyện không ưu tiên gì hết vì hiện nay học sinh không có khó khăn trong học tập. Và nếu có khó khăn thì đã có hệ đào tạo như trung cấp, cao đẳng hay học liên thông lên đại học (nếu có như cầu) còn một bước vào học đại học thì phải công bằng như nhau.
 
Ông Sơn cho rằng, nếu giữ điểm ưu tiên vì chính sách để nâng cao trình độ cho khu khu vực miền núi, vùng khó khăn thì phải nhìn nhận rằng nhiều nhân lực như bác sĩ, kỹ sư thiếu mà thừa. Lý do là ở vùng núi trả công quá thấp còn những cơ sở tư nhân ở ngay vùng đô thị đã thu hút người làm việc nên mới có sự thừa thiếu cục bộ. Vậy nên để thu hút và thực hiện cái nói là quay về làm việc thì nên trả lương cao, có chế độ rõ ràng cho nhân lực, ví dụ như về vùng núi thì có mức lương phải từ 20 đến 30 triệu, ở lại làm việc phải 5 năm thì sẽ được về vùng đô thị. Còn nếu không thì dù có đi học hay gửi đi học người học cũng sẽ có xu hướng ở lại đô thị. 
 
Ưu tiên thế nào để thí sinh không thiệt thòi?
 
Thực tế tại nhiều trường đại học do chính sách cộng điểm ưu tiên, thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất vào trường không phải là thí sinh có điểm thi cao nhất. Lý do là nhiều thí sinh được cộng điểm ưu tiên khu vực, đối tượng… Đặc biệt điều này xảy ra ở những ngành nóng như Y khoa, Răng-Hàm-Mặt, Công nghệ máy tính, Khoa học Máy tính, Ô tô, Hàn Quốc học, và các trường quân đội, công an…
 
Tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, PGS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội đồng trường thông tin, trước đây trường chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu TP.HCM để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thành phố nên việc ưu tiên gần như đồng đều. Từ năm 2017 đến nay nhà trường mở rộng tuyển thí sinh ngoại tỉnh nên cũng có hai mức điểm chuẩn, đó là điểm chuẩn cho thí sinh có hộ khẩu TP.HCM và điểm chuẩn cho thí sinh ngoại tỉnh. Theo dõi điểm chuẩn mấy năm gần đây, ông Xuân cho hay điểm chuẩn cho thí sinh ở ngoại tỉnh thường cao hơn điểm chuẩn thí sinh ở TP.HCM khoảng nửa điểm, một phần do thí sinh ngoại tỉnh đông, mặt khác nếu trừ điểm ưu tiên khu vực của thí sinh ngoại tỉnh thì điểm chuẩn ở hai mức này bằng nhau nên không có sự chênh lệch chất lượng đầu vào.

Thí sinh trúng tuyển ngành Y khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2018

 
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho rằng do hiện nay các vùng miền có sự khác nhau, nên phải có sự ưu tiên để phát triển nguồn lực cho những vùng khó khăn hơn, giảm bớt khoảng cách thiệt thòi cho học sinh những vùng không có điều kiện học hành. Do vậy chủ trương ưu tiên là chính sách chung không thể bỏ, quan trọng là thực hiện ưu tiên như thế nào.
 
Theo ông Tùng, thực hiện ưu tiên bằng cách cộng thêm điểm vào các kỳ thi đang có vấn đề là có tình trạng nhiều em có điểm cao ngất ngưởng, thậm chí thủ khoa vẫn trượt, còn thí sinh có điểm thấp hơn do được cộng ưu tiên nên có điểm xét tuyển cao hơn và trúng tuyển là rất vô lý về mặt chuyên môn.
 
Vì vậy để không có sự vô lý này cần “nắn” lại từ các trường đại học, các đơn vị tuyển sinh. Việc “nắn” rất đơn giản là thực hiện xếp thành hai hàng, một hàng có ưu tiên, một hàng không có ưu tiên. Cụ thể, tuỳ kế hoạch đào tạo các trường chia tỷ lệ % tổng chỉ tiêu cho thí sinh có điểm ưu tiên và thí sinh không có ưu tiên. Như vậy những thí sinh được ưu tiên sẽ nằm trong nhóm ưu tiên, còn những thí sinh không có ưu tiên sẽ nằm ở nhóm không ưu tiên chứ không chen ngang, chiếm chỗ như hiện nay. 
 
Ông Tùng cũng cho rằng khi ưu tiên cộng thêm điểm là chấp nhận giảm đầu vào cho một số đối tượng cụ thể. Do vậy trường phải có kế hoạch nâng cao chất lượng cho thí sinh thuộc hàng ưu tiên bằng cách có kế hoạch phụ đạo, bổ trợ để những thí sinh được tuyển dụng theo hàng này có chất lượng ngang bằng với thí sinh không ưu tiên, tránh những vấn đề phát sinh như nợ môn, không theo kịp chương trình, bỏ học, nghỉ học…

Theo PGS Bùi Hoài Thắng, về cách làm cộng điểm ưu tiên hiện nay chỉ mới có 1 cách duy nhất là cộng điểm ưu tiên (tỉ lệ khá cao - max 2.75/30 ~ 9.17%), nên sức thuyết phục không cao. Nên chăng việc này có thể cải tiến bằng cách dành chỉ tiêu riêng tuỳ từng trường, không thấp hơn % nào đó, nhưng đầu vào vẫn phải thoả ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường/ngành; Hoặc chỉ nên ưu đãi cho lần học đầu tiên góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho vùng miền. Ở những lần học lấy bằng lần sau, lần tuyển sinh sau, người học đã trưởng thành thì  không nên ưu tiên nữa.
 
Lê Huyền