- Câu chuyện "tranh luận rèn chữ đẹp" ở đây không chỉ là chuyện "cho trẻ học hay không", mà đằng sau đó còn gắn với các triết lý, quan niệm chi phối giáo dục.
Lời tòa soạn: Kiến nghị bỏ luyện chữ đẹp thu hút sự tham gia sôi nổi từ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, giáo viên và phụ huynh học sinh. Theo dõi các bài viết, bạn đọc Nam Hoàng nói: "tranh luận luyện chữ thế là đủ. Bộ GD-ĐT và phu huynh nên biết lựa chọn những gì bổ ích cho học sinh, vì cái gì cũng có giá của nó, đó là "chi phí cơ hội". GS Nguyễn Ngọc Lanh, người có bài viết sớm nhất (26/11/2012) về phong trào luyện chữ đẹp cũng theo dõi không sót các thảo luận. Theo ông, câu chuyện "tranh luận rèn chữ đẹp" ở đây không chỉ là chuyện "cho trẻ học hay không", mà đằng sau đó còn gắn với các triết lý, quan niệm chi phối giáo dục. Trong bài viết mới đây, ông đã giải thích rõ hơn ý tưởng của mình.
Một bài thi chữ đẹp của học sinh lớp 4 |
Ở bài viết tháng 11/2012, ngay dòng đầu đã nêu nội dung cần trao đổi: Việc lôi kéo ngày càng nhiều những người không tự nguyện và buộc học sinh cứ buộc phải đầu tư quá nhiều thời gian, công sức là một bất cập.
Chi phối 2 hiện tượng rất trái khoáy này, hẳn phải là một triết lý đã lỗi thời trong giáo dục.Bài này chỉ xin chấm phá vài nét. Hy vọng lại được bạn đọc tham gia bàn thảo cho ra nhẽ.
Triết lý cũng là điều cần làm sáng tỏ trong Đổi Mới căn bản và toàn diện giáo dục mà nước ta đang triển khai.
Hai vấn đề được nêu lên
1) Phong trào "luyện chữ" lôi kéo cả những học sinh, phụ huynh không tự nguyện. Thiếu yếu tố tự nguyện, dứt khóat phong trào không tự sinh, tự dưỡng, tự phát triển; mà phải từ một chủ trương chính thức - sản phẩm của một triết lý nào đó. Sản phẩm tương tự, cùng nguồn, đã và đang tồn tại là "học Lễ", "học làm Người" - có từ thời cổ và vẫn còn tồn tại ở nước ta.
Đã có bài phân tích khá đủ về nội dung trên.
2) Ngày nay, viết chữ đẹp không còn bức thiết hoặc mang lại ích lợi thiết thân như trước. Bàn phím đang dần thay cây bút, tới mức ở nhiều nước, đa số dân chúng chỉ còn viết tay khi phải ký tên, khi cần điền vào một tờ khai (in sẵn) hoặckhi ghi chép nhanh một thông điệp ngắn trên mảnh giấy nhỏ. Do vậy đã có bài nêu rõ: Luyện chữ: lợi ít, thiệt nhiều.
Đương nhiên, ngày nay học sinh vẫn phải tập viết, nhưng cũng đương nhiên họ chỉ cần viết ở mức "đạt yêu cầu" (để được lên lớp). Mức ở đây - như nhiều nước tiên tiến đã quy định - chỉ là viết nhanh, viết rõ ràng, đủ nét, đủ dấu (để người khác dễ đọc).
Khỏi cần bàn, nếu họ viết càng đẹp, càng đáng mừng. Còn nếu ta muốn các cháu phấn đấu viết "vượt yêu cầu" thì phải do chính các cháu (và cha mẹ họ) chấp nhận, chủ yếu là do ham thích hoặc nhận ra những lợi ích sau này cho bản thân. Bởi vì, để "rèn" và "luyện" họ phải huy động cả thời gian lẽ ra dùng cho vui chơi hoặc cho việc khác.
Lẽ ra, không thể dựa trên một triết lý nào và nhân danh điều gì để ép nhiều người tham gia một phong trào duy ý chí. Nhưng chúng ta cứ làm toàn quốc. Do vậy, triết lý chi phối hành động hẳn là triết lý lỗi thời; còn nhân danh gì cũng thiếu chính danh. Để cắt nghĩa, chúng ta đang nêu lên những kỳ vọng tinh thần, tuy cao cả, đẹp huyền ảo, nhưng không kiểm chứng và đo đạc được. Đó là: Luyện chữ là cách tạo ra "nết người" (!). Chưa có những thống kê hoặc công trình khoa học chứng minh, mà cứ khẳng định khẩu hiệu "nét chữ - nếtngười" thì liệu có cảm tính, thậm chí duy tâm?
Những hiểu lầm đã xảy ra
Đồng ý hay không với chủ đề là quyền. Nhưng bất đồng do hiểu lầm sẽ gây lạc đề và tốn kém.
- "Rèn" và "luyện" phải hiểu là sự cố gắng cao độ
Với số giờ (tiết) quy định cho môn Tập viết, nhiệm vụ của các thầy cô là phải dạy cho mọi học sinh lớp mình "đạt yêu cầu" về kỹ năng viết: Đó là viết nhanh, đủ dấu, đủ nét. Còn chuyện viết đúng chính tả sẽ do môn học khác đảm nhiệm. Ở mức này, với số giờ chính khóa, học sinh chỉ cần cố gắng vừa sức; bởi lẽ họ còn phải phân phối sự cố gắng cho nhiều môn khác nữa. Còn đòi hỏi các cháu phải "rèn", "luyện" thì sự nỗ lực đã ở mức khác hẳn.
Cần thống nhất khái niệm khi dùng từ. Chuyện "rèn" và "luyện" chỉ dành cho đối tượng ham thích, say mê; tới mức họ phải bớt cả thời gian vui chơi, nghỉ ngơi. Đương nhiên, ai ham thích luyện chữ đều phải được tạo điều kiện và rất đáng khuyến khích, biểu dương. Có người bảo, luyện Văn,Toán... chỉ là luyện Tài; còn luyện chữ mới là luyện Đức (!). Xin miễn bàn, tuy ý kiến này cũng thể hiện một loại triết lý.
- Không tán thành "luyện chữ" tức là cứ để các cháu... viết xấu
Có người đặt vấn đề: Dẹp môn rèn chữ hay xem trọng “nét chữ, nết người”? Chưa cần nói sự mù mờ của khái niệm, nhưng... sao có lối nghĩ cực đoan vậy? Phải nghĩ rằng bỏ "rèn chữ" - vẫn tập viết chính khóa - tuyệt đa số các cháu sẽ viết "đạt yêu cầu", còn viết đẹp hoặc viết xấu là thiểu số thôi chứ. Cuộc sống bình thường là vậy.
Khi kết thúc môn Tập viết, điều phải đạt là không còn học sinh viết xấu. Nếu vẫn có cháu viết xấu thì thầy cô và chính các cháu có lỗi, phải tự khắc phục hậu quả. Vậy mà một số ý kiến khi trao đổi cứ cho rằng, ai phản đối "luyện chữ" là muốn bỏ mặc để học sinh viết xấu. Thậm chí còn cảnh báo (thừa) "chữ xấu làm khổ người khác"? Té ra, chuyện"luyện chữ" lẽ ra phải vì lợi ích bản thân, nay lại thành... vì lợi ích người khác (để họ khỏi khổ vì phải đọc). Triết lý ở đây khá quen (tôi được giáo dục để thành con người... hễ làm bất cứ gì cũng "vì mọi người").
- Truyền thống và cái đẹp
"Ta có truyền thống viết đẹp, cần được gìn giữ". Phát biểu này quá đúng về nguyên lý. Nhưng bảo tồn là một chuyện. Nhân danh "gìn giữ" để máy móc áp dụng cái lỗi thời và ít bổ ích (so với công sức cá nhân bỏ ra) là chuyện khác. Dùng công sức của cả xã hội lại là chuyện khác nữa. Cứ nói chung chung, chúng ta rất dễ bị hiểu là nệ cổ, hoài cổ - cũng là một triết lý Ở diễn đàn này, ý kiến khá khác nhau giữa già và trẻ.
Các cụ ta (buộc phải) luyện viết đẹp từ thuở học chữ Nho, cho đến khi viết Quốc ngữ và có cái máy chữ (hiếm lắm)... Thế thì dân Mỹ, Đức, Pháp thuở xưa cũng viết đẹp chứ sao? Hãy xem các văn bản viết tay mà họ bảo tồn (ví dụ Tuyên Ngôn Độc Lập, Hiến Pháp). Họ cũng quý trọng truyền thống chứ sao. Nay, họ vẫn dạy viết cho trẻ em, nhưng không bắt chúng (cả lớp, cả trường, cả huyện) phải "luyện chữ" và phải thi chữ đẹp nữa. Mà chẳng sao hết.
- “Cái đẹp không bao giờ lỗi thời. Chữ đẹp cũng vậy".Nói chung, là đúng. Tất nhiên một mỹ nhân thuở xa xưa có thể không còn hợp với nhãn quan hôm nay. Hãy thử ngắm dung nhan "bầu bĩnh", "phúc hậu" của mấy cô công chúa triều Nguyễn (cách ta mới 150 năm).
Điều cần phân biệt: Bản thân chữ đẹp thì... đẹp thật, không thể lỗi thời. Còn cách thức (bắt cả lớp, cả trường, cả huyện... phải viết chữ đẹp, để đi thi)... thì quả là hơi bị lỗi thời.
Theo TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội, mỹ cảm và cảm âm là cái mà ai cũng phải học để còn biết yêu và trân trọng cái đẹp và trẻ cũng cần biết những thông tin mà cả thế giới đều biết. Trong ảnh: Trẻ em trong buổi tập tô tượng. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bốn điều mong muốn
1) Chúng ta nên liếc sang các nước, để tham khảo họ và nắm bắt xu thế chung; kể cả việc thay kiểu chữ để viết tay cho nhanh. Triết lý lỗi thời một khi đã ngấm quá sâu, khiến ta rất nhanh nhạy bật lại những gì trái ý và tự thấy yên lòng trong 4 bức tường.
2) Sau khi học xong môn Tập viết, mong rằng cháu nào cũng viết đủ nét, đủ dấu, dễ đọc (còn viết cho riêng mình, các cháu có quyền viết tự do - ví dụ viết nhật ký).
3) Càng nhiều cháu tham gia luyện chữ, càng đáng mừng. Phong trào càng lớn càng tốt. Miễn là ai cũng tự nguyện (ham thích), hoặc do hiểu các lợi ích sẽ có. Phong trào tự sinh, hi vọng sẽ tự dưỡng, tự phát triển. Nếu số người đủ lớn, đương nhiên họ sẽ tự hình thành các cuộc thi hào hứng. Xã hội và chính quyền cần khuyến khich, ủng hộ các câu lạc bộ và các cuộc thi của họ.
4) Đã có nhiều trăm mẫu chữ đẹp, miễn phí (trên mạng); nhưng Việt Nam là nước cực hiếm (duy nhất?) tự sáng tạo ra cái phong trào "luyện chữ" và có cả thi đại trà "vở sạch,chữ đẹp". Điều mong muốn là Việt Nam hãy đóng góp một số mẫu chữ vào cái kho miễn phí này. Hòa nhập và đóng vai trò tích cực trong cộng đồng quốc tế là triết lý thời đại.
- GS Nguyễn Ngọc Lanh