Những dịp này, sẽ có những mầu sắc cựa quậy rồi bật mình trên những bức tranh dân gian. Đấy là mầu của những ngày lễ Tết, của những niềm vui, của đời sống rực rỡ.

Bừng trên giấy điệp

Nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê nói rằng: “Tranh Tết là một cái thú chơi phổ biến của người Việt từ thành thị tới nông thôn”. Điểm trong dòng chảy văn hóa dân tộc, chúng ta có Đông Hồ, Kim Hoàng, tranh Đồ Thế, tranh kính… Trong quá khứ, vùng Thanh Hóa, Nghệ An có những nơi năm nào cũng làm tranh Tết. Vùng Lai Xá (Hà Nội) đã từng in tranh và thậm chí đã từng rất nổi tiếng. Thú chơi ấy, cho dù mai một cũng như nhiều thói quen truyền thống, trong sự ào ạt của hiện đại hóa, vẫn tồn tại, nhẹ nhàng nhưng đủ để người ta nhắc đến như một niềm vui.

Có lẽ Đông Hồ vẫn còn giữ được vẻ hoàng kim của một thời “mầu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Tranh Đông Hồ bắt đầu vươn ra thế giới, người Đông Hồ vẫn rộn ràng làm tranh, và các loại hình cũng ngày một đa dạng. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, đời thứ 20 của gia đình làm tranh truyền thống Đông Hồ nói rằng cả gia đình ông sống được nhờ tranh dân gian. Từ ba tỷ đồng đầu tư, Trung tâm văn hóa dân gian truyền thống - xưởng tranh của gia đình ông Chế đã thành một điểm du lịch, với những bức tranh từ vài chục nghìn đến cả chục triệu đồng. Bản thân ông Chế đã đi khắp nơi trên thế giới để giới thiệu tranh Đông Hồ. Đông Hồ không chỉ còn là những bức tranh treo đơn giản, Đông Hồ vào lịch treo tường, lịch để bàn, lên postcard, lên bookmark… Sự đa dạng của thể loại sản phẩm khiến “chất Đông Hồ” linh hoạt và sống động hơn.

Một cuộc hồi sinh đáng kể là dòng tranh Kim Hoàng. Hơn 40 năm đứt đoạn, tranh Kim Hoàng tưởng như không còn tồn tại trong dòng tranh Tết. Những bức tranh Kim Hoàng chỉ còn lại trong các hồ sơ của người Pháp và trí nhớ một vài người già Kim Hoàng. Nhưng cùng với một khu trưng bày nho nhỏ, dòng tranh đỏ đã trở lại. Năm Mậu Tuất này có cặp tranh hình con nghê - mẫu vẽ được thợ vẽ về tận làng Đình Bảng (Bắc Ninh) lấy mẫu nghê Việt truyền thống. Từ không còn gì, sau hai năm, hiện tranh đỏ Kim Hoàng đã khôi phục được 30 mẫu, sáng tác thêm mẫu tranh nghê. 

{keywords}
Chạm khắc bản gỗ tỉ mỉ - một bước trong quy trình làm tranh Đông Hồ. Ảnh: Đoàn Bổng

Một dòng tranh nổi tiếng, gắn liền tín ngưỡng là tranh thờ người Dao. Ông Chảo Sảnh Nhàn (bản Pờ Sình Ngài, xã Trung Chải, Sa Pa, Lào Cai) thường giam mình trong căn nhà riêng mỗi khi nhận làm một bộ tranh. Dòng tranh thờ người Dao có những quy tắc ngặt nghèo, và ông Nhàn được chọn - như một sứ mệnh. Mỗi năm tầm này ông vô cùng bận rộn. Đến cả vợ con cũng rời đi chỗ khác để ông tập trung trong phòng với bốn bức tường treo kín tranh: này là Tam Tượng, này là Đại Đường Quân, để ra đời những bức tranh vừa bảo đảm đẹp, lại vừa có đủ yếu tố tâm linh. Một mình ông Nhàn làm hầu hết các công đoạn: từ chế biến keo để làm chất kết dính bồi giấy, tỉ mẩn từng nét vẽ, từng gương mặt thần linh trên những bức tranh. Cũng vì là nghệ nhân hiếm hoi nên ông Nhàn “đắt khách”. Người từ Trung Quốc cũng sang đặt không ít. Mỗi năm ông nhận làm chỉ vài ba bộ là dừng, làm nhiều quá không đủ sức. Bởi để hoàn thành một bộ tranh là cả nghìn tấm giấy được dụng đến.  

Liệu có bị tàn phai

Có điều, nghệ nhân Chảo Sảnh Nhàn, nhiều năm qua vẫn là người duy nhất làm tranh thờ người Dao ở Lào Cai. Đến cả ba người con của ông cũng không theo nghề. Còn bản thân ông, dù có nhiều học trò nhưng mới chỉ ở mức làm các việc lặt vặt. Cứ đến mùa làm tranh là ông Nhàn lại chỉ một mình lọ mọ.

Dòng tranh Kim Hoàng, theo như bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Bảo tàng gốm sứ, người góp công lớn trong việc khôi phục dòng tranh đỏ - thì còn nhiều việc lắm: “Muốn phát triển bắt buộc phải gắn liền du lịch. Nhưng hiện tại khu trưng bày quá bé. Nhiều trường học muốn đưa học sinh về tập in tranh nhưng mặt bằng không đủ. Mặc dù địa phương duyệt xong khu sản xuất 1.500 m² để làm mặt bằng xưởng sản xuất nhưng một năm rồi vẫn chưa có chỗ”. Việc tiêu thụ tranh Kim Hoàng giờ vẫn “chập choạng” như chữ của người trong cuộc.

Giữa cặp tranh con nghê treo trên hai cánh cửa Tết này, và cái frame vô hồn trên avatar facebook, người ta thường chọn facebook - tính viral (phổ biến) cao hơn. Nhưng không vì thế mà tranh dân gian không tồn tại. Bằng cớ là những bức tranh vẫn ra đời, giữa bao nhiêu khó khăn.

Phương Mai/ theo Thời nay số Xuân Mậu Tuất