- Trong khi nhiều nông dân tại các địa phương khác phải đốt rơm ngay tại ruộng vì không ai chịu mua thì tại xã Thanh Bình (Chợ Gạo, Tiền Giang), rơm rạ đang được hét giá lên đến tiền triệu.

TIN BÀI KHÁC


Trước nay nhiều người vẫn nghĩ, rơm rạ là phụ phẩm cuối cùng của cây lúa, thường chỉ để bỏ đi. Nhà nào có trâu, bò cày kéo còn tích trữ dùng dần, nhưng mấy năm nay máy cày, máy cấy đã về đến tận thôn quê, thành ra rơm rạ chỉ còn dùng để… đốt.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tại xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, thứ phụ phẩm này đang dần trở nên khan hiếm, được các thương lái và thậm chí các hộ dân săn lùng. Cao điểm, giá rơm khô có thể được trả lên tới 1,6 – 2 triệu đồng/ha.

Trước rơm rạ chỉ để đốt thì giờ có thể bán được giá từ 1,6 – 2 triệu đồng/ha (Ảnh: Theo Tuổi trẻ)

Lý giải hiện tượng “khan rơm”, một cán bộ xã Thanh Bình cho VietNamNet biết, sở dĩ “cháy rơm” là vì hiện giờ có nhiều hộ dân mở rộng mô hình trồng nấm. Một số hộ mua rơm tích trữ để đậy gốc cho cây trồng giữ ẩm. Một số khác mua rơm về làm thức ăn tích trữ cho bò vào mùa khô thiếu cỏ, rồi dùng rơm để vận chuyển củ quả, trái cây, đặc biệt rơm giúp dưa hấu tránh dập nát khi vận chuyển.

Cán bộ xã này cũng cho hay, vài năm trước, người mua rơm chỉ lác đác, giá rơm khi ấy rất rẻ, dao động trong khoảng 40.000 – 50.000 đồng/công (1 công = 1.000m2). Tuy nhiên, khoảng 1-2 năm trở lại đây, rơm bắt đầu đội giá lên 3-4 lần vì có quá nhiều người tìm mua.

Anh Nguyễn Văn Long, ấp Bình long, xã Thanh Bình cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 30 công ruộng, trước rơm rạ chỉ bỏ không, thậm chí còn mất công phơi phóng cho khô chờ đốt. Mỗi mùa thu hoạch, cánh đồng ngập khói, không khí rất ngột ngạt. Giờ bỗng nhiên rơm được giá, mỗi vụ lại có thêm 5-7 triệu đồng nên ai ai cũng phấn khởi”.

Phương Anh