Tối 23/9, đêm thi Trang phục Văn hóa Dân tộc (National Costume) của cuộc thi Miss Grand Vietnam 2022 đã diễn ra tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM. 50 thí sinh cùng các người đẹp Tiểu Vy, Mai Phương, Á hậu Lona Kiều Loan, Phương Anh, Ngọc Thảo, Bảo Ngọc, Thùy Dung, Hoa khôi Nam Em, Diệu Ngọc, Người đẹp áo dài Kim Thoa đã thể hiện 60 trang phục đến từ các nhà thiết kế và các sinh viên.

Đêm thi được chia thành 6 nhóm trình diễn do 6 NTK có tên tuổi tư vấn và hỗ trợ, gồm NTK Văn Thành Công, NTK Vũ Việt Hà, NTK Nguyễn Minh Tuấn, NTK Brian Võ, NTK Nguyễn Minh Công và NTK Tín Thái. Với sự hướng dẫn của các NTK, các trang phục được đầu tư, chỉnh sửa sao cho hợp lý và ấn tượng nhất. 

Đội NTK Minh Công trình diễn cuối cùng, với các thiết kế lấy cảm hứng từ mỳ Quảng, rồng, lễ cưới, sông nước, chiếu, quạt, cờ Tổ quốc, ngày Tết.... Sự sinh động của các thiết kế được đầu tư công phu, tỉ mỉ cùng với cách thể hiện phù hợp với các trang phục, khi nghiêm túc, khi hài hước của các thí sinh đã khiến khán giả thích thú, hưởng ứng mạnh, đặc biệt là tiết mục kết màn của Chế Nguyễn Quỳnh Châu khai thác sự hâm mộ của người dân Việt Nam dành cho bóng đá.

NTK Vũ Việt Hà cho thấy thế mạnh của anh khi xử lý và tư vấn những trang phục mang đậm văn hoá miền Bắc, đặc biệt là Tây Bắc. Các thiết kế trong đội của anh rất gây ấn tượng bởi sự độc đáo về ý tưởng, mức độ tỉ mỉ khi xử lý chi tiết trên trang phục. Nhũng sáng tạo về phom dáng, kết hợp các thể hiện như xoay tự động, nâng cốc chúc mừng, ... cho thấy bản lĩnh nghề cứng cáp, phong phú về hình ảnh và biết tạo điểm nhấn.

Đội NTK Nguyễn Minh Tuấn cũng cho thấy từng bộ trang phục được đầu tư chỉn chu từ những chi tiết nhỏ. Hồn Việt từ văn hoá tuồng, Tây Nguyên, tích cá chép hoá rồng, văn hoá sông nước, miền biển,... được đưa vào trang phục vừa độc đáo, vừa hiện đại. Dù là lần đầu tổ chức thi Trang phục Văn hoá Dân tộc, các thí sinh hầu như ít bỡ ngỡ mà luôn cố gắng biến hoá sáng tạo nhất các thể hiện và giữ vững tinh thần khi thể hiện. Thí sinh Chu Lê Vi Anh gặp sự cố khi nằm ngả ra sân khấu khó đứng lên nhưng bình tĩnh xử lý.

Nhóm của NTK Brian Võ khai thác những nét hình ảnh văn hoá như nghề làm mắm, chiến thắng trên sông Bạch Đằng, bánh xèo, hoa lục bình, quà cưới, hoa sen.... Dù mặc những bộ trang phục công phu, nhiều chi tiết nhỏ nhưng các thí sinh tự tin sải bước và ứng biến linh hoạt trong các trang phục, thổi hồn cho các bộ thiết kế.

NTK Tín Thái vốn đã được khán giả biết đến nhiều khi là chủ nhân nhiều trang phục dự thi quốc tế của các người đẹp trong nước. Vì vậy, đội của anh nhận được sự hưởng ứng khá nhiều từ khán giả. Sự hứng khởi đến từ tinh thần của các trang phục lấy ý tưởng từ ruộng bậc thang, mưa, biển, các hình ảnh đặc trưng của Đà Nẵng,.... được đầu tư rất kỹ lưỡng về kiểu dáng và chi tiết khiến khán giả phải trầm trồ. 

Đuối nhất trong đêm trình diễn là các thiết kế đến từ nhóm của NTK Văn Thành Công. Các thiết kế thể hiện hình ảnh một số loài vật gắn liền với văn hoá người Việt như cua, voi được làm khá đơn giản khi ra sân khấu, hoặc thiếu tinh thần dũng mãnh, nổi bật như rồng khiến cho người xem chưa thực sự mãn nhãn về khí chất của người diễn hay trang phục. Thiết kế trên mặc áo bà ba, bên dưới chỉ mặc đồ lưới, không có quần cũng tạo ra những ý kiến khó hiểu về ý đồ của trang phục.

Nhìn chung, đêm thi Trang phục Văn hóa Dân tộc đem lại nhiều hiệu ứng tốt sau đêm diễn dù còn một vài trục trặc như gãy đồ, khó di chuyển vì cồng kềnh. Sau đêm thi áo tắm bị chê gây thất vọng, đêm thi Trang phục Văn hóa Dân tộc đã phần nào lấy được lại thiện cảm của người hâm mộ khi âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng đèn led, góc quay trên livestream đều đã được cải thiện để tôn vinh các thí sinh và trang phục trình diễn. Trên các diễn đàn, khán giả dành lời khen cho những thay đổi tích cực của ban tổ chức sau đêm thi áo tắm nhận nhiều "gạch đá". 

Thiện Nhân