Dù chọn phương án kỳ thi quốc gia nào, cũng sẽ có nhiều thay đổi trực tiếp liên quan đến số phận của hàng triệu học sinh.
Bộ GD-ĐT vừa công bố 3 phương án kỳ thi quốc gia và dự tính sẽ thực hiện vào năm học 2015. Đây thực chất là một cuộc cải cách nhằm gộp 2 kỳ thi đại học và tốt nghiệp THPT làm một. Mọi cuộc thảo luận đã bắt đầu.
Dù chọn phương án nào thì sẽ cũng xảy ra nhiều thay đổi trực tiếp liên quan đến số phận của hàng triệu học sinh. Tình trạng có nhiều quyết định thay đổi trong giáo dục trong vài năm nay đã xảy ra. Bài toán đặt ra là bao giờ chúng ta có một hình thức thi cử hợp lý để không cảm thấy gánh nặng và xoay vòng vòng với sự thay đổi?
Con thi đại học, bố mẹ thi... chờ đợi trong nắng nóng. Ảnh: Bưu điện VN |
Một kỳ thi nhìn từ 2 câu chuyện
Tôi có hai cháu đang đi học trung học phổ thông ở Việt Nam và Mỹ.
Cháu học ở Việt Nam thì ngay từ đầu kỳ trung học đã bò lăn ra học để lo thi tốt nghiệp THPT và vào đại học. Càng sát lớp 12 cháu học càng dữ. Lịch học là 3 ca sáng, chiều tối vì ngoài chính khóa còn học thêm, không có thời gian làm gì ngoài học.
Nhưng cha mẹ cháu lo ngay ngáy mỗi khi có tin sắp thay đổi trong thi cử của kỳ thi quốc gia. Bởi thay đổi là do trên Bộ, nhưng ở dưới thì các học sinh, gia đình và phụ huynh phải đối phó. Ví như thày cô đang "luyện chưởng" cho các cháu theo lối A, nay có thay đổi thì phải cấp tốc chuyển sang lối B. Mà lối B này cần mất thời gian để nghiền ngẫm, thử sai xem có ổn không rồi mới biết.
Các cháu cũng đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học theo lối cũ. Nay thay đổi thì không rõ làm sao, cũng không biết cách học mới của mình có ăn nhập gì với kỳ thi sẽ thay đổi hay không? Và người không dạy, không học nhưng run tim chính là phụ huynh. Bởi kỳ thi này của mỗi đứa con của họ là kỳ thi quan trọng, chỉ một rủi ro xảy ra có thể gây hậu quả lớn. Học cả 3 năm, thi có một lần, nếu trượt thì là cả một nỗi khổ sở.
Vả lại, không rõ sự thay đổi này có ổn hay lại tiếp tục thay nữa? Vì đọc xong cả 3 phương án của Bộ đưa ra thì thấy các bài thi này cũng không đơn giản chút nào. Các cháu đi thi miệt mài mất đứt 2 ngày với 4 buổi thi liên tục. Nghĩa là với kỳ thi này, người chủ động là Bộ Giáo dục, còn học sinh, phụ huynh, thày cô rất bị động.
Người cháu thứ 2 ở Mỹ thì học, chơi, rèn luyện, tham gia công tác xã hội, thi văn nghệ, thể thao thoải mái. Cháu cũng phải tập trung nhất định cho kỳ thi SAT 1 mà học sinh trung học Mỹ cần qua để có điểm nộp cho nhiều đại học Mỹ với 3 môn là Toán, Từ vựng và viết luận. Nhưng tóm lại chỉ có Toán và Văn. Và cũng chỉ thi trong có vài giờ đồng hồ là xong.
Học sinh từ PTCS cũng đã có thể học và thi kỳ thi này miễn là có đủ trình độ. Mức điểm cần đạt là khoảng 1.400-2.400 điểm để có thể nộp đơn vào đại học. Điểm số có giá trị trong 5 năm, và quan trọng là có thể thi khi nào cũng được. Nếu thấy điểm thấp thì thi lại cho đến khi thấy ưng ý mới đem nộp cho đại học.
Cách học có thể là theo khóa học ôn thi SAT của trường trong giờ chính khóa nhưng do học sinh tự chọn. Nhưng cũng có thể tự học. Cháu tôi cũng tự học qua mạng miễn phí và sách tự mua mà không đăng ký học theo trường, vì còn dành thời gian học đủ các môn có tín chỉ.
Học thi SAT không thể nhồi nhét, vì thế nên phải học đều đều hàng ngày. Mỗi ngày dành ra khoảng 2 giờ. Kế đó là thi, mỗi lần thi lại đặt ra một mục tiêu điểm số cần đạt và từ từ nâng điểm trong suốt các năm trung học. Chính vì cách thi này nên học sinh ở Mỹ rất chủ động và không lo lắng. Vừa học, vừa đánh giá kết quả, tự nâng cao thành tích và luôn có cơ hội làm lại nếu muốn.
Thày cô và cha mẹ chỉ có vai trò động viên, nhắc nhở là chính chứ không can dự vào quá trình học tập của học sinh. Bộ Giáo dục Mỹ thì lại càng không tham gia vào quá trình này, vì đây là kỳ thi của một tổ chức phi Chính phủ nhưng có uy tín nên được các đại học Mỹ thừa nhận. Mặc dù không có kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia nào, giáo dục Mỹ vẫn được đánh giá đứng đầu thế giới.
Thay đổi quy trình chứ không chỉ phương thức
Thực ra kỳ thi tốt nghiệp trung học và nếu có gộp cả kỳ thi đại học của VN hiện nay là kỳ thi quốc gia. Tổ chức kỳ thi này tốn kém khá nhiều tiền của từ xã hội. Nhưng điều nhiều người lo ngại là dù tốn kém chấtlượng có được đảm bảo? Nhiều năm nay, kết quả thi tốt nghiệp của từng tỉnh thành hàng năm vẫn gây tranh cãi. Nhất là khi có những tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn mà tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp PTTH cao chót vót, chạy theo thành tích. Đó là chưa kể các vụ việc liên quan đến gian lận thi cử ngày càng tinh vi và gây mệt mỏi.
Vì vậy thay đổi là điều ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, muốn nhận được sự ủng hộ sâu rộng, thay đổi đó phải theo chiều hướng giản đơn hóa mà vẫn có chất lượng, giảm gánh nặng xã hội và dễ dàng cho sự thích nghi của học sinh.
Hiện tại, như công bố từ Bộ Giáo dục, việc đưa ra thay đổi chỉ liên quan đến phương thức thi cử. Nhưng trên thực chất, có lẽ chúng ta cần cả một quy trình quản trị hiệu quả liên quan đến kỳ thi chứ không chỉ là phương thức. Quy trình này sẽ vạch ra tất cả những khâu, những bước, những bộ phận, những ai liên quan và làm sao để không xảy ra bất hợp lý. Từ đó các nhà quản lý giáo dục, học sinh, thày cô và phụ huynh sẽ thấy rõ vị trí, vai trò và tìm ra cách tương thích phù hợp. Vì vậy, Bộ Giáo dục nên tính đến quy trình quản trị này.
Hơn nữa, quy trình mà xã hội mong đợi cũng chỉ hữu hiệu nếu nó đem lại sự cởi mở và tự do cho dạy và học. Khi đó, thi không phải là việc đánh đố, là thử thách duy nhất, mà thực sự chỉ là bài kiểm tra đánh giá thành tích. Học sinh hoàn toàn có thể được giúp tự đánh giá thực lực và quyết tâm thay đổi thành tích của mình mà không cần dựa vào các lò luyện thi, từ kinh nghiệm, từ các mánh lới thi cử khác.
Nếu không dựa theo một quy trình quản trị hiệu quả, thì mọi thay đổi sẽ chỉ là hình thức. Khi đó, khó lòng dẫn đến kết quả mà Bộ Giáo dục và toàn xã hội mong đợi, mà rất có thể sẽ tiếp tục xảy ra nhiều hệ lụy khác, khiến cho việc thay đổi cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT lại liên tục diễn ra.
Nguyễn Anh Thi
Bài cùng tác giả:
Thủ khoa Mỹ, thủ khoa Việt và cánh cửa cơ hội Bài toán đặt ra ở đây là tại sao chúng ta không tìm ra một cơ chế tốt hơn cho trọng dụng và bồi dưỡng hiền tài? Thi học sinh giỏi ở Mỹ và luyện 'gà chọi' ở... VN Từ cách chuẩn bị cho đến cách thi và lựa chọn học sinh giỏi của Mỹ thật khác xa cách làm ở VN hiện nay. Đường lên đỉnh Olympia hay đường 'cắm chốt'... Australia? Hóa ra duy chỉ có một nhà vô địch về nước làm việc, còn lại thì cắm chốt ở... Australia. Đến độ đã có người đề nghị vui là đổi tên cuộc thi thành Đường lên đỉnh... Australia cho tiện. |