Với quan điểm công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, tỉnh Bình Định đã triển khai các kênh để tiếp nhận thông tin, xử lý các phản ánh bằng hình thức trực tuyến giúp đem lại hiệu quả tích cực trong công tác cải cách hành chính, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền với người dân.
Chính quyền và người dân "gặp nhau" qua máy tính, điện thoại
Tại tỉnh Bình Định, Cổng thông tin điện tử tỉnh (https://binhdinh.gov.vn/) và Cổng dịch vụ công tỉnh (https://dichvucong.binhdinh.gov.vn) đã triển khai mục nhận thông tin hỏi đáp và tiếp nhận các phản ánh, thắc mắc của người dân, doanh nghiệp.
Nếu như trước đây, người dân, doanh nghiệp muốn phản ánh, kiến nghị tới chính quyền phải lên tận các cơ quan, đặt lịch làm việc, hoặc chờ đến kỳ tiếp xúc cử tri, họp tổ dân phố hay gọi điện qua đường dây nóng thì nay có thể phản ánh tới chính quyền ở mọi lúc, mọi nơi một cách dễ dàng và nhanh chóng bằng cách phản ánh kiến nghị trên điện thoại thông minh, máy tính kết nối với Internet.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn (ngụ huyện Hòai Nhơn, Bình Định) chia sẻ, vừa qua anh có thắc mắc về chi phí chia tách thửa đất và cách nộp hồ sơ để tách thửa. Sau đó, anh Tuấn dùng điện thoại truy cập Cổng dịch vụ công tỉnh Bình Định tìm mục “hỏi đáp” gửi câu hỏi đi. Sau hơn 2 ngày, anh nhận được câu trả lời chi tiết các thủ tục cần thiết.
“Trước đây, khi thắc mắc hay cần phản ánh gì tôi phải trực tiếp đến cơ quan liên quan để trình bày, còn bây giờ ngồi nhà bấm máy cũng trao đổi với chính quyền được. Trong thời điểm chuyển đổi số những cách làm của tỉnh như vậy rất hay và gần gũi với người dân”, anh Tuấn bày tỏ.
Anh Nguyễn Dư (ngụ Bình Định) cho biết, vừa qua anh đã chuẩn bị xong bộ hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, tuy nhiên anh không biết địa chỉ nào nộp hồ sơ nhanh chóng và tiện lợi nên đã gửi câu hỏi đến cổng dịch vụ công tỉnh. Sau đó, anh Dư nhận được câu trả lời hướng dẫn địa chỉ nộp hồ sơ.
“Những điều tưởng chừng nhỏ này nhưng với tôi rất cần thiết, thời điểm công nghệ tỉnh thực hiện những mục hỏi đáp điện tử này tạo thuận tiện, đỡ mất thời gian cho người dân và cơ quan chức năng”, anh Dư chia sẻ.
Phân quyền đến từng đơn vị để trả lời cho người dân
Theo tìm hiểu, chuyên mục “hỏi – đáp” trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định được quyết định triển khai từ năm 2020. Sau khi tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh gửi đến, ban biên tập của cổng thông tin sẽ phân loại để chuyển đến các cơ quan liên quan.
Sau đó, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ trả lời câu hỏi trong thời gian không quá 4 ngày làm việc, trường hợp câu hỏi mang tính chất phức tạp, cần có sự phối hợp liên ngành thì việc gửi câu trả lời không quá 7 ngày làm việc và phải có thông tin phản hồi để ban biên tập thông tin đến tổ chức, cá nhân. Sau khi có kết quả phản hồi từ các cơ quan đơn vị, ban biên tập công khai kết quả trả lời trên Cổng thông tin điện tử tỉnh.
Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Hoài Vinh - Giám đốc Trung tâm Tin học - Công báo (Văn phòng UBND tỉnh Bình Định) cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay có tất cả 52 câu hỏi được người dân gửi lên Cổng thông tin điện tử tỉnh, trong đó có 49/52 câu hỏi đã có văn bản trả lời.
“Từ những thắc mắc của người dân phản ánh được nhanh chóng trả lời, qua đó giúp tỉnh xây dựng chính quyền điện tử thân thiện, gần với người dân hơn”, ông Vinh chia sẻ.
Trong khi đó, tại Cổng dịch vụ công tỉnh Bình Định những kiến nghị, phản ánh được gửi lên cổng sẽ được phân quyền đến đúng từng đơn vị liên quan để trả lời cho người dân, doanh nghiệp. Các câu trả lời sẽ được hiển thị ngay trên cổng để người dân thuận tiện nắm bắt. Trường hợp đơn vị nào chậm trả lời sẽ có thông báo nhắc nhở.
Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, về phản ánh kiến nghị Cổng dịch vụ công tỉnh Bình Định đã tiếp nhận 73 trường hợp, đã trả lời 61 trường hợp, còn 12 trường hợp đang xử lý. Còn về câu hỏi thắc mắc của người dân đã tiếp nhận 187 câu và đã trả lời 149 câu, còn lại đang xử lý.
Hồ Giáp