Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt cuốn sách Phát triển kinh tế số ở Việt Nam của tập thể tác giả, PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo và TS. Nguyễn Mạnh Hùng làm đồng chủ biên. Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học các ban Đảng Trung ương, mã số KHBĐ (2019)-16, do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì.

z5076286307448 1e871fd94396008793b2fe30ada87cdb.jpg

Nội dung của cuốn sách gồm 3 chương: Những vấn đề lý luận chung và kinh nghiệm của một số quốc gia về phát triển kinh tế số; Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế số của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020; Quan điểm, giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam đến năm 2025. 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia. Trước bối cảnh đó, Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới. Từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số được ban hành, nhờ đó, kinh tế số đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những kết quả rất tích cực, ở một số lĩnh vực có sự phát triển mang tính đột phá.

Kinh tế số trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra trong phát triển kinh tế số như: thể chế, chính sách còn bất cập; cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp; kinh tế số có quy mô nhỏ; việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng gặp nhiều thách thức...

Vì vậy, để thúc đẩy phát triển kinh tế số, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế; tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cứng và mềm cho chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số quốc gia; hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, không ngừng chú trọng bồi dưỡng, trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cuốn sách Phát triển kinh tế số ở Việt Nam là tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, lãnh đạo, quản lý và bạn đọc quan tâm đến những vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế số, phát triển kinh tế số ở nước ta hiện nay.

Làm việc tại nhà và nền kinh tế số

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát khắp toàn cầu, hầu hết mọi công việc được thu gọn lại tại nơi ở thì cuốn sách 'Làm việc tại nhà và kinh tế số' thật hữu ích với bạn đọc.