Tháng 9/2011 Báo VietNamNet nhận được đơn thư phản ánh của ông Trần Anh Tú nguyên là Phó phòng kinh doanh Xuất nhập khẩu, Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp. Ông là người viết đơn gửi Thủ tướng Chính phủ tố cáo các sai phạm ở Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp, Công ty 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Nông Nghiệp và PTNT.

Tin bài cùng chuyên mục:



Ông Trần Anh Tú đi tố cáo từ ngày 6/12/2009 thì đến ngày 1/9/2010 Thanh Tra Chính phủ (TTCP) ra kết luận thanh tra. 5 nội dung đơn tố cáo của ông Tú đều được TTCP tìm hiểu, xác minh và trả lời là đúng và có cơ sở. Thế nhưng không hiểu sao kết quả thanh tra không được thông báo cụ thể đến người tố cáo.

Kiên nhẫn gửi đơn đi 7 lần nữa, ngày 30/8/2011 vừa qua ông nhận được thông báo kết quả nội dung đơn tố cáo số 2341/TTCP - VP -  một cách rành mạch hơn. Báo chí vào cuộc vì thấy việc xử lý hậu thanh tra rất sơ sài.

Ông Trần Anh Tú nói về việc đi tố cáo và những khuất lấp đằng sau việc lớn bị vo nhỏ này.

“Di sản của Lã Thị Kim Oanh”

Theo bản thông báo của TTCP gửi cho ông Trần Anh Tú thì Dự án xây dựng khu nhà ở của Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp (VIGECAM) ở phường Dịch Vọng quận Cầu Giấy, Hà Nội có sai phạm. Cụ thể đó là từ nguồn vốn xây nhà từ vốn nhà nước nhưng khi bán nhà, VIGECAM tự định ra các tiêu chuẩn đươc mua nhà, tự định giá bán các căn hộ cho người trong và ngoài công ty mà không bán qua sàn giao dịch bất động sản là trái quy định.

Dự án xây nhà từ thời bà giám đốc Công ty Tiếp thị và Nông nghiệp CNTP (Gọi tắt là Công ty Tiếp thị) lừng danh Lã Thị Kim Oanh. Sau khi có quyết định khởi tố bà Oanh, Công ty trên không có khả năng trả nợ… Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tiếp nhận và giao cho công ty dự án nhà trên với điều kiện VIGECAM phải trả nợ hơn 176 tỉ đồng cho Công Ty Tiếp thị để được kế thừa các dự án kinh doanh bất động sản (trong đó có dự án 76 căn hộ) và tiếp tục thực hiện dự án để xây nhà bán cho cán bộ công nhân viên của VIGECAM.

Đến thời điểm tháng 6/2010 VIGECAM đã kí hợp đồng bán 45 căn hộ, 11 căn hộ bán cho các đối tượng ngoài công ty, ngoài ra còn 8 căn hộ chưa bán.

Đồng thời TTCP cũng kiểm tra xác minh thấy vi phạm ở việc bán căn hộ thấp hơn giá thị trường, bán không đúng đối tượng… vụ việc trên, gây thiệt hại và thất thoát hàng trăm tỉ đồng của nhà nước đúng như tố cáo của ông Tú.

Tiền tỉ mất nhẹ bẫng…

Cũng trong thông báo, từ tháng 4/2008 Chính phủ có kí quy định tạm dừng việc mua sắm ô tô để kiểm chế lạm phát thì HĐQT VIGECAM vẫn kí quyết định duyệt mua 1 xe PRADO trị giá gần 1,6 tỉ đồng. Ngoài ra trước đó VIGECAM cũng mua 2 xe ô tô Camry hơn 800 triệu đồng chủ yếu để đưa đón Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc… Vượt quy định, định mức tiền mua xe cho chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc.

Trong việc kinh doanh thì VIGECAM dùng vốn nhà nước nhưng lại kí những hợp đồng mua 270 tấn phân bón rồi “buôn đi bán lại” gây thiệt hại cho nước gần 2,6 tỉ đồng.

Dự án công viên giải trí đến nay vẫn còn là một bãi cho thuê để ô tô
Không những thế với Công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ Thành Tín 3 hợp đồng bán phân bón. Công ty Thành Tín đã chậm thanh toán, chiếm dụng vốn ở 2 hợp đồng gây thiệt hại hơn 5,7 tỉ đồng.

Tiếp đến công ty VIGECAM cho Vigecam Trading mượn nhà và không thu tiền sử dụng nhà, mượn 10 tỉ dưới hình thức cấp vốn cho hoạt động mà không thu tiền sử dụng vốn, không có phương án kinh doanh…

Ngoài ra còn có những khuất tất trong việc cho thuê khách sạn 120 Quán Thánh, Hà Nội. Cụ thể là cho người đấu giá mức thấp nhất thuê.

Các dự án do VIGECAM  thực hiện cũng có vấn đề. Bỏ tiền tỉ để giải phóng mặt bằng Dự án khu vui chơi giải trí quận Đống Đa nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Thông báo của TTCP đến ông Trần Anh Tú còn nêu về việc chia lương thưởng, tuyển dụng vô nguyên tắc, tiếp khách tiền tỉ ở VIGECAM.

Tổng giám đốc lận đận với bằng cấp và chứng nhận

Trong trả lời của TTCP gửi ông Trần Anh Tú còn có một nội dung đáng chú ý về việc học phổ thông của ông Nguyễn Đức Phong hiện là Tổng giám đốc của VIGECAM.

Hồ sơ lý lịch của ông Phong tự khai có ghi từ tháng 7/1984 đến 11/1988 là bộ đội thuộc các đơn vị Sư đoàn 31, Quân đoàn 3, Trường Kĩ thuật Quân sự Quân đoàn 3…

Thế nhưng sau đó thực tế TTCP xác minh lại đã làm đảo ngược những chứng nhận trên: “Trường Quân sự Quân đoàn 3” không có thẩm quyền cấp bằng bổ túc văn hóa phổ thông trung học cho học viên học tại trường… Trường không có hồ sơ học bổ túc văn hóa của ông Nguyễn Đức Phong vì năm 1984, Trường Đảng - Văn hóa Quân đoàn 3 chưa sát nhập về Trường Quân chính Quân đoàn 3 mà đến tháng 4/1987 mới sát nhập”.

Văn bản của Cục nhà trường, Bộ tổng tham mưu QĐND Việt Nam xác nhận với TTCP: Trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp từ tháng 7/1984 đến tháng 7/1985 tại Hội đồng thi Trường Văn hóa Quân đoàn 3 không có thí sinh nào là tên là Nguyễn Đức Phong và cũng không có trường nào tên là Trường kỹ thuật Quân chính, Quân đoàn 3.

Hơn 2 năm sau, khi được yêu cầu về việc kiểm tra nội dung liên quan đến bằng cấp của ông Nguyễn Đức Phong, để xử lý. Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu xác minh việc học văn hóa bổ túc của ông Phong.

Do mất hồ sơ lưu nên dựa vào trí nhớ của các cá nhân giáo viên đã giảng dạy và quản lý ông Phong ở Trường Quân sự Quân đoàn 3 (từ năm 1984 đến 1985) đã khẳng định nội dung khẳng định lại giấy chứng nhận số 244/GCN - TQS ngày 3/3/2006 -“chứng nhận cho đồng chí Phong đã học hết chương trình lớp 9, lớp 10 và hệ bổ túc 10/10” được kí bởi cá nhân ông Võ Mạnh Thắng - Nguyên hiệu trưởng nhà trường là đúng.

Dựa vào văn bản số 1143/NT - B1 của Cục nhà trường, Vụ tổ chức cán bộ của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cho rằng việc ông Phong học xong bổ túc là hợp lý(?!)

Và vì việc này hợp lý nên ông Phong đủ điều kiện học tại chức ở Đại học Ngoại thương niên khóa 1991 - 1996 (Căn cứ theo thông tư số 256/TT - ĐTTC ngày 17/4/1990) lại càng hợp lẽ!

Kiến nghị xử lý rất cụ thể…

Căn cứ kết quả kiểm tra xác minh, TTCP thấy các nội dung mà ông Trần Anh Tú tố cáo nêu về các sai phạm tại VIGECAM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tôi là đúng và đã nêu rõ trách nhiệm thuộc về các tổ chức, cá nhân sau:

Ở Dự án 53 căn hộ là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VIGECAM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Các công ty định giá không chính xác.

Chịu trách nhiệm về về các sai phạm về việc mua, sử dụng xe con, không thu lãi chậm trả, việc mua bán 270 tấn phân bón, thu tiền khai thác khách sạn 120 Quán Thánh… là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, các cán bộ liên quan thuộc VIGECAM từ 2007 đến nay.

Chịu trách nhiệm về sai phạm trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm ông Lê Anh Tuấn giữ chức vụ lãnh đạo tổng công ty là Chủ tịch HĐQT VIGECAM.

Chịu trách nhiệm trong việc không đúng tại Văn bản số 2459/BNN - TCCB ngày 22/4/2008 về việc giải quyết đơn kiến nghị là ông Vũ Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Tại sao vo nhỏ vụ việc và cất đi?

Cả Bộ Nông nghiệp và PTNT lẫn VIGECAM đều hiểu sai văn bản của Văn phòng Chính phủ nên đã xử lý rất sơ sài các sai phạm mà thanh tra kết luận?

Dù TTCP  đã chỉ ra rất rõ những ai phải chịu trách nhiệm về vụ việc này nhưng theo ông Tú, vụ việc đã được vo nhỏ, cất đi. Không ai phải chịu trách nhiệm về sai phạm “động trời” này.

Trao đổi với chúng tôi đại diện của VIGECAM cho rằng: Thông báo kết quả kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo của TTCP gửi ông Trần Anh Tú - (Người đi tố cáo đúng - PV) đã làm “phức tạp” thêm tình hình sai phạm ở Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp.

Vị lãnh đạo này trình ra văn bản số 7449/VPCP - KNTN của Văn phòng Chính phủ yêu cầu xử lý sau thanh tra tại Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp có ghi:

- Giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo khắc phục những thiếu sót, tồn tại của Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp, chấn chỉnh công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh tại doang nghiệp này. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để xử lý dứt điểm việc một số hộ dân lấn chiếm đất để tiếp tục triển khai Dự án “Công viên giải trí Đống Đa” đã được phê duyệt, báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng chính phủ năm 2010.

- Bộ chỉ đạo Công ty giải quyết cụ thể khiếu nại của 12 hộ dân về việc mua căn hộ tại Dự án 53 căn hộ… đảm bảo lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và các hộ dân đã nộp tiền mua căn hộ…

Cũng chính nhờ vin dựa vào văn bản này mà VIGECAM chỉ xử lý vụ việc bằng những bản kiểm điểm, bản giải trình “gây cười” cho dư luận.

  • T. Phan

Bài 2: “Việc to vo nhỏ” cần tiếp tục xử lý