Đừng chỉ nhìn vào bảng xếp hạng để chọn trường

Mới đây, tại hội thảo Xu hướng tuyển sinh của đại học Mỹ, bà Sarah Groh, Trợ lý giám đốc tuyển sinh quốc tế Đại học Boston (Mỹ), chỉ ra sai lầm nhiều học sinh mắc phải khi muốn đi du học.

Theo bà Sarah, không ít phụ huynh đặt nặng vấn đề xếp hạng trong quá trình lựa chọn trường, nhưng thực tế xếp hạng chỉ giúp phụ huynh có cái nhìn bao quát về các trường khi tìm hiểu ban đầu.

Ngoài danh tiếng, còn rất nhiều yếu tố người học cần cân nhắc như môi trường, địa điểm học (trong thành phố hay ngoại ô), cộng đồng sinh viên quốc tế của trường, cơ hội việc làm hoặc nghiên cứu nhà trường cung cấp/hỗ trợ… Đây có thể là các yếu tố nhiều bảng xếp hạng không lựa chọn làm tiêu chí đánh giá, nhưng lại có ý nghĩa với người học.

Nhiều trường đại học Mỹ có độ cạnh tranh cao, đặc biệt vòng nộp hồ sơ sớm diễn ra khoảng tháng 11 có tỷ lệ chọi ngày càng tăng lên (Ảnh minh họa).

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Chuyên gia tuyển sinh quốc tế của Đại học bang Arizona, cũng nhìn nhận xếp hạng không nói lên tất cả về chất lượng một trường đại học.

Ngoài xếp hạng chung (overall rankings), người học cũng cần tìm hiểu những tiêu chí cụ thể khác để xem thế mạnh của trường có phù hợp với định hướng phát triển của bản thân hay không.

Trong đó, du học sinh cần lưu ý tới chất lượng cuộc sống và cơ hội khi vào trường. “Ví dụ, nếu muốn theo học ngành y, người học nên lựa chọn những ngôi trường đặt tại nơi có hệ thống bệnh viện tốt để được hỗ trợ thực tập, thực hành nghề nghiệp”, bà Huyền nói.

Bên cạnh đó, người học cũng cần quan tâm tới cộng đồng sinh viên người Việt tại nơi mình dự định học tập. Ở nơi có nhiều người Việt, có hội du học sinh lớn mạnh, người học sẽ được chia sẻ nhiều cơ hội và được giúp đỡ trong công việc, cuộc sống.

Trong quá trình làm tuyển sinh, bà Huyền từng chứng kiến không ít sinh viên đã theo học một thời gian, sau đó phải chuyển trường vì môi trường học tập không phù hợp, người học không cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc trong môi trường ấy.

Do đó, theo bà, việc cần phải sàng lọc các trường dựa trên tiêu chí cụ thể bên cạnh vấn đề học thuật là điều cần thiết.

Điểm học thuật cao chưa chắc trúng tuyển đại học Mỹ

Một sai lầm khác được các chuyên gia tuyển sinh chỉ ra là học sinh chỉ quan tâm đến điểm số khi nộp hồ sơ du học Mỹ. Nhưng thực tế, đây không phải là yếu tố tiên quyết trong việc lựa chọn ứng viên vào trường.

“Hầu hết các trường đều muốn đánh giá toàn diện xem ứng viên đó là người như thế nào, sở thích ra sao, họ có tính cách, mục đích tiêu cụ thể là gì. Đây là những điều điểm số không thể nói lên được tất cả”, bà Huyền nói.

Ngoài điểm số, còn rất nhiều yếu tố khác hội đồng tuyển sinh đánh giá, bao gồm việc chọn chương trình học có thử thách hay không; các yếu tố như bài luận, hoạt động ngoại khóa có thể hiện được đam mê, mối quan tâm về lĩnh vực bản thân muốn theo đuổi không.

Nếu có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, những điều người học đã làm phải có ý nghĩa với mục tiêu ấy và được đầu tư thời gian, tâm huyết. Ví dụ, nếu muốn trở thành một đầu bếp giỏi, ứng viên cần phải yêu thích việc nấu ăn và đầu tư, trau dồi cho đam mê ấy hàng ngày.

Cho rằng trong bộ hồ sơ, khả năng học thuật xuất sắc vẫn chiếm đến 70-80% quyết định của hội đồng tuyển sinh, nhưng theo bà Trần Phương Hoa, Giám đốc Tổ chức giáo dục Summit, các trường vẫn mong muốn thấy thí sinh có một năng lực, thế mạnh vượt trội về một môn hoặc nhóm môn học nào đó; có triển vọng thành công cao khi học tại trường và kể cả sau khi tốt nghiệp.

Vì vậy, thí sinh vẫn phải nỗ lực chứng minh khả năng học thuật của bản thân thông qua điểm số trên trường, điểm các kỳ thi chuẩn hóa, tham gia các cuộc thi, làm nghiên cứu nếu có thể.

“Tuy nhiên, nếu thí sinh chỉ biết học mà không quan tâm đến bất kỳ vấn đề xã hội nào, thiếu hụt các kỹ năng mềm vẫn khó lọt vào “mắt xanh” của nhóm đại học cạnh tranh”, bà Hoa nói.

Một sai lầm khác bà Hoa chỉ ra là thí sinh dành quá nhiều thời gian để ôn và thi lại các chứng chỉ, kỳ thi chuẩn hóa nhằm mục đích nâng điểm. Trong khi đó, điểm trung bình trên trường không cao, thí sinh cũng không chú ý đến các hoạt động ngoại khóa để thực hiện xuyên suốt nhiều năm, không dành đủ thời gian cho việc viết luận và tập luyện phỏng vấn. Điều này dẫn đến bộ hồ sơ không đủ mạnh, khó cạnh tranh vào được các trường top đầu.

Song với những thí sinh chưa có điểm số tốt, thành tích cao, bà Hoa đưa ra gợi ý, trong số, hơn 4.000 đại học Mỹ, các em có thể nhập học ở một trường đại học chất lượng khá, sau đó tìm cách chuyển tiếp hoặc nộp hồ sơ cao học vào các đại học cạnh tranh hơn sau này.