Thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, tỉnh Quảng Nam đã giao nhiệm vụ cho các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2045 trên địa bàn huyện Nam Trà My.
Mục tiêu chung của Chương trình là tỉnh Quảng Nam xây dựng và phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, sớm ổn định và phát triển kinh tế trong nhân dân theo hướng hàng hóa tập trung có quy mô, quy hoạch và phát triển thành vùng cung cấp nguyên liệu ổn định.
Đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa chủ lực để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My; đồng thời bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, tiến tới bảo vệ cả một khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh.
Định hướng đến năm 2045, tỉnh Quảng Nam phát triển sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh xuất khẩu sâm lớn ra thế giới.
Để triển khai Chương trình, từ nay đến năm 2045, tỉnh Quảng Nam sẽ đầu tư 1.800 tỷ; trong đó 100 tỷ đồng đồng cho công tác nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống Sâm Ngọc Linh; 300 tỷ đồng cho Phát triển vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh tập trung; 250 tỷ đồng để thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm Sâm Ngọc Linh bền vững theo chuỗi giá trị; 150 tỷ đồng để xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại, du lịch cộng đồng kết hợp giới thiệu về văn hóa truyền thống canh tác và sử dụng Sâm Việt Nam; 1.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng vùng trồng Sâm Ngọc Linh gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi.