Oppo mới đây khai trương thêm một trung tâm trải nghiệm (Oppo Shop) của hãng, nâng lên tổng cộng 5 trung tâm. Hãng cho biết sẽ mở thêm 10 shop nữa đến năm 2020. Như vậy, đến hết năm sau, Oppo sẽ có 15 cửa hàng chỉ trưng bày sản phẩm của hãng.
Bên trong cửa hàng trải nghiệm mới của Oppo. Ảnh: Oppo |
Các trung tâm trải nghiệm sản phẩm này được thiết kế theo chuẩn Oppo toàn cầu, hầu hết nằm trong các trung tâm thương mại lớn, với mặt bằng được phân khu khác nhau. Tại đây, khách có thể tiếp cận những phiên bản đặc biệt của smartphone Oppo không được trưng bày tại các nhà bán lẻ. Ngoài ra, khu vực bảo hành, chăm sóc khách hàng cũng được đặt tại các trung tâm này.
Từ 5 cửa hàng quyết định nâng lên đến 15 cửa hàng cho thấy Oppo đang quyết tâm mở rộng các trung tâm kiểu này. Cách đây 2 năm, khi mở các cửa hàng đầu tiên, ông Đặng Quốc Cường - khi đó đang là Giám đốc tiếp thị Oppo Việt Nam - cho biết các cửa hàng này không đặt mục tiêu doanh số mà chủ yếu để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, đồng thời nhắm đến các khách hàng cao cấp hơn, qua đó mở ra cơ hội cho phân khúc smartphone cao cấp của công ty.
Tại thời điểm gần cuối năm 2017 với vài Oppo Shop đầu tiên, mặc dù là hãng smartphone có thị phần lớn thứ 2 tại Việt Nam nhưng ở phân khúc điện thoại trên 10 triệu đồng, Oppo “không có cửa” so với Samsung hay Apple.
Tuy vậy, thống kê ba tháng 7-8-9/2019 của GfK cho thấy, Oppo luôn có trên 10% thị phần smartphone ở phân khúc 10-15 triệu đồng, nhờ chiếc Oppo Reno. Đây là lần đầu tiên Oppo đạt thành tích này, và chưa hãng nào tạo được dấu ấn như vậy trừ Samsung và Apple - hai hãng độc chiếm phân khúc smartphone từ 10 triệu đồng trở lên.
Có lẽ sau khi đạt được những con số ban đầu ở phân khúc cao cấp, Oppo quyết định tiến nhanh hơn trong việc mở thêm các cửa hàng của riêng mình, nhằm mở rộng hình ảnh trên thị trường, nhất là ở phân khúc cao cấp.
Việc mở các cửa hàng cao cấp chỉ trưng bày sản phẩm của mình được các hãng triển khai đã khá lâu. Sự quyết tâm mở mới của Oppo cho thấy tầm quan trọng của các trung tâm trải nghiệm người dùng kiểu này, nhưng thực tế Oppo còn chậm chân so với các đối thủ trong top 5 hãng smartphone tại Việt Nam, nhất là khi đặt cạnh Samsung.
Samsung đã từng mở và vẫn duy trì một số cửa hàng trải nghiệm sản phẩm của họ tại Việt Nam nhiều năm nay, nằm ở vị trí đắc địa và bên trong các trung tâm mua sắm lớn. Nhiều trong số các cửa hàng này dù hoàn toàn mang hình ảnh Samsung nhưng do đối tác bán lẻ vận hành. Một đối tác làm việc với Samsung từng cho biết các cửa hàng không đặt nặng doanh số, chủ yếu để nâng cao trải nghiệm cho người dùng - tương tự cách đại diện Oppo từng trả lời khi mở những cửa hàng đầu tiên năm 2017.
Xét về các cửa hàng trải nghiệm, Samsung vẫn “chơi lớn” nhất trong các hãng tại Việt Nam. Hồi tháng 3, hãng này khai trương Samsung Showcase (nay đổi tên thành Samsung 68), trung tâm đa năng của hãng có quy mô lớn nhất so với các cửa hàng của hãng tại Đông Nam Á.
Góc trưng bày smartphone bên trong Samsung Showcase (nay là Samsung 68). Ảnh: Hải Đăng |
Tại đây trưng bày tất cả hệ sinh thái sản phẩm của Samsung từ smartphone đến TV, tủ lạnh, kính VR, đồng hồ thông minh,... Với lợi thế mặt bằng, Samsung cũng tổ chức nhiều sự kiện như đợt ra mắt sản phẩm Galaxy Note 10 và sau này là các sản phẩm khác. Tại trung tâm này, thi thoảng cũng tổ chức các hội thảo nhỏ, hoạt động cộng đồng liên quan đến công nghệ.
Tại thời điểm khai trương, Samsung Showcase tại Việt Nam là cửa hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Đức. Với quy mô lớn, trưng bày sản phẩm chỉn chu, nhiều hoạt động đi kèm bên lề, cho thấy các cửa hàng Samsung có nét giống với Apple Store - các cửa hàng trải nghiệm sản phẩm của riêng Apple.
Gần một năm sau khi Oppo mở cửa hàng trải nghiệm đầu tiên, Xiaomi cũng bắt đầu mở các cửa hàng Mi Store của họ. Cũng trong năm này, tức chỉ hơn một năm sau khi chính thức đặt chân vào Việt Nam, Xiaomi mở thêm cửa hàng Mi Store thứ hai được cho là lớn nhất trong khu vực. Điều này cho thấy mặc dù sản phẩm đã được bày bán ở các nhà bán lẻ lớn nhưng Xiaomi vẫn muốn có những cửa hàng chính thức chỉ trưng bày giải sản phẩm của mình, tiếp cận tới khách hàng trung thành dễ dàng hơn.
Một nhân viên đang điều chỉnh lại thiết bị trưng bày trong ngày khai trương Mi Store lớn nhất khu vực tại TP.HCM. Ảnh: Hải Đăng |
Mở các Mi Store chỉ sau hơn một năm gia nhập thị trường chứng tỏ Xiaomi muốn đầu tư bài bản vào Việt Nam. Kết quả, những tháng trong quý 3/2019, Xiaomi đã vượt Apple để trở thành hãng smartphone có số lượng máy bán ra đứng thứ 3 tại Việt Nam - chỉ sau Samsung và Oppo.
Theo trào lưu mở các cửa hàng dạng này, Huawei cũng khai trương các trung tâm trải nghiệm riêng của hãng tại cả Hà Nội và TP.HCM, dù số lượng vẫn chưa bằng Oppo và Xiaomi.
Tất nhiên không thể quên các chuỗi cửa hàng uỷ quyền của Apple, chỉ chuyên bán sản phẩm Apple, vẫn hiện diện ở các trung tâm mua sắm và một số vị trí đắc địa. Các cửa hàng này nằm trong số những mô hình đầu tiên trong khái niệm cửa hàng trải nghiệm sản phẩm tại Việt Nam.
Như vậy, những hãng có “máu mặt” nhất tại Việt Nam đều đã nghiêm túc đầu tư các cửa hàng chỉ bán sản phẩm của riêng mình, nhằm mở rộng hình ảnh và phục vụ nhóm khách hàng trung thành tốt hơn. Tất nhiên, mô hình này hiệu quả đến đâu so với chi phí bỏ ra sẽ là điều được các hãng cân nhắc nhiều trong bối cảnh thị trường không tăng trưởng mạnh và tình hình cạnh tranh đang gay gắt hơn.